Câu chuyện mùa hè năm đó

Tụi nó có hai cái tên gần giống nhau, đến nỗi người kể lại câu chuyện này đôi khi cũng gần như phát điên mỗi khi lẫn lộn. Gia Ân – Gia An. Cả hai đều đẹp. Chẳng phải chị em song sinh, cũng chẳng phải cặp bài trùng. Chỉ là cái tên giống nhau, luôn đứng sát nhau trong danh sách lớp, ngồi cạnh nhau trong phòng thi, bắt cặp với nhau trong tất cả mọi hoạt động. Ân – hát hay, năng động, nói nhiều như một con chim chích. Mọi thứ xung quanh Ân đều tràn đầy năng lượng và sự nhiệt thành. An thì ngược lại. Trầm tính và sâu sắc. Như bức tranh trừu tượng với gam màu tối, chẳng ai đoán được điều gì ẩn sau cái vẻ ngoài lạnh lùng và xa cách kia. Hai người học chung một lớp, nhưng không tồn tại một mối quan hệ nào khác ngoài cái tên “bạn cùng lớp”. Mọi thứ chỉ bắt đầu vào một ngày cuối học kì hai năm lớp 10, Ân nhận được một con 6 cho bài thi cuối kì. Cô chủ nhiệm – đỏm dáng và điệu đà – đã gọi đó là điều “không thể chấp nhận”. Đôi mắt xếch của cô đưa lên đưa xuống, khóe miệng cong cớn ám ảnh, giọng cô điệu rõ chua ngoa không chê vào đâu được:

  • Kết quả đợt thi này có một vài trường hợp khiến tôi thất vọng. Có thể thường ngày các em xinh đẹp, giỏi giang, nhiều người chú ý, nhưng không ai biết được chuyện gì. Đừng bao giờ quá tự mãn, chủ quan vào bản thân. Các em nên nhớ, đẹp mà không có não thì cũng chỉ là búp bê đồ chơi thôi. Các em phải học giỏi thật giỏi, điểm phải cao thật cao, thì tương lai mới sáng láng, chứ khuôn mặt sáng láng không thôi thì ai cần, hả? Ai đồng ý với quan điểm này của tôi thì giơ tay lên?

Cả lớp đều giơ tay, ngầm ý Cô chửi hay quá. Tất nhiên là trừ Gia Ân đang cúi gằm mặt xuống bàn, không biết đang tức hay đang tủi. Con người, rất xuất sắc trong việc chê bai người khác mà không bao giờ dám mở miệng chê bai bản thân mình. Nguyên một cánh rừng đầy khỉ nhao nhao, khuôn mặt không che giấu vẻ hả hê trước thất bại của công chúa. Cô giáo đưa mắt nhìn, mãn nguyện, nhưng nhanh chóng khựng lại ngay tắp lự khi phát hiện ra, ở cuối lớp kia có người không giơ tay. Đó là Gia An.

  • Em không đồng ý ở điểm nào?

  • Dạ, tất nhiên em đồng ý với quan điểm của cô. Nhưng tự bản thân em nhận thấy, mình vừa đẹp vừa có não, chứ không như các bạn chỉ có não mà thôi. Vậy tại sao phải giơ tay ạ?

Ngay giờ phút đó, Ân vẫn nằm gục trên bàn, nhưng nó tức khắc xoay đầu lại về phía tiếng nói vừa phát ra. Ngay khi nhìn thấy An, nó nở một nụ cười rạng rỡ. Suốt cả tiết học, nó nằm đó, tư thế đó, nhìn về phía An, cười – như một con đười ươi, mặc kệ những gương mặt đang tím tái vì tức giận. Giờ ra chơi, Ân chạy qua chỗ An, lại cười một cái thật tươi, bảo “Người đẹp thì nên đi với nhau chứ hả?”

Từ hôm ấy trở đi, giữa đám đông, Ân chỉ chạy về phía An. Làm phiền An suốt. Nhiều lần An gắt lên “Phiền chết đi được”, nhưng Ân vẫn cười hì hì. Ân có cái kiểu tỉnh bơ rất hay. Trong lúc đám bạn đang bàn tán rôm rả ầm ĩ về việc sẽ đi đâu, ăn gì, khi được hỏi tới Ân thì Ân luôn quay sang An hỏi thẳng: “Mày muốn ăn gì, An?” – “KFC đi. Còn mày?” – “Vậy đi ăn KFC”. Kiểu vậy. Kiểu An luôn là nhất đối với Ân. Ân bị rất nhiều người ghét. Vì xinh, vì giàu, vì kiêu kỳ. Nhưng điều khiến An luôn dừng lại, mỉm cười và giơ tay ra sau chờ Ân mỗi khi Ân chạy theo léo nhéo kêu “An ơi, An à”, đó chính là vì An biết Ân là đứa con gái tốt. Có một lần, ngay sân sau căng tin, An vô tình nhìn thấy cảnh Ân kiên nhẫn ngồi xé miếng bánh mì cho một chú chó nhỏ ăn. Ân lúc đó, khác hẳn nhỏ Ân chảnh chọe và kiêu kỳ thường khi, trở nên tự nhiên và tốt lành lạ kì. Bất kì điều gì khi nhìn qua con mắt của Ân, đều khác biệt và ngộ nghĩnh không ngờ. Biết bao nhiêu lần, Ân đến bên và bảo: “Ê An, mới nghe chuyện này hay lắm nè. Kể nghe…” thì luôn bị An “hắt hủi” bằng cách lấy headphone ra và đeo vào tai. Mặc kệ, Ân vẫn liên tu bất tận và cái cách nó kể chuyện thì buồn cười và tự nhiên làm sao, đến mức An quên mất mình đang “giả điếc” mà phá lên cười như điên như dại. Rồi trong giờ văn chán ngắt, sẽ luôn có Ân – cùng mẩu giấy nói chuyện có nét chữ xấu như cua bò của mình, đi kèm hình minh họa bà cô già khó tính – khiến An không thể nào ngủ gục trong giờ học được nữa. Những khoảnh khắc đó, khiến cho An thôi một mình, thôi muộn phiền và cô đơn. Một lần, khi cả hai đang ngồi ở lan can, Ân chợt khẽ khàng: “Tụi mình vui quá à. Tao sợ một ngày mày không còn bên cạnh nữa, phải làm tất cả một mình. Eo ôi…”, Ân lè lưỡi. An đã buông thõng cây đàn đang cầm trên tay và cười nhếch mép: “Có Gia An ở đây mà Gia Ân sợ nữa à? Đừng sợ. Tao luôn ở đây”. Ân nghe xong, cười tít mắt, vẻ hân hoan và vui sướng hiện lên như mặt nước đang lan tỏa dần trên bờ cát đầy nắng.

Tụi nó bên nhau, mọi thứ thuộc về Ân đều được bộc lộ một cách tự nhiên và không giấu giếm. Nhưng An, lại rất khó để chạm vào. Ân từng cứng đầu đi theo An suốt một quãng đường dài, chỉ mong được vào nhà An, gặp gia đình An, vô phòng ngủ của An. Nhưng An luôn tìm mọi cách chối từ. Vào một ngày mưa, có một “con điên” ướt như chuột lột ở đâu xuất hiện trước cổng nhà An. Khi An và mẹ An chạy ra, mất hết cả hồn khi thấy hình ảnh Ân đang đứng cười toe toét, nói: “Con chào cô” một cái rõ to rồi “dịu dàng”: “Ân qua định hỏi An bài toán kia, khó quá không biết cách giải”. Mẹ của An thường ngày khó tính là thế. thấy nụ cười tươi như nắng của Ân, bỗng dưng trở nên dễ tính đến lạ. Và Ân chính là người đầu tiên được vào nhà An, ăn cơm với nhà An, trò chuyện với mẹ An sau bao nhiêu năm qua. Điều này đã khiến An ngạc nhiên suốt một quãng thời gian dài. Trong căn phòng của An, nơi có khung cửa sổ khổng lồ đầy nắng, An chỉ tay vào nụ cười của Ân và bảo:

  • Có phải chỉ cần một nụ cười hồn nhiên và chân thành như thế này này, là có thể xua tan mọi đau khổ và bất hạnh trên đời hay không?

  • Nói vậy hóa ra khác gì kêu tao đi làm chủ tịch Liên hiệp quốc, để thế giới được hòa bình hơn? – Lại cười

  • Đôi lúc tao cũng thử cười như vậy trong chính ngôi nhà này. Nhưng không có gì xảy ra cả.

Ân có một ưu điểm, là không bao giờ đào quá sâu một điều gì đó mà người khác không muốn đề cập tới. Nó không bao giờ hỏi vì sao nhà An luôn có không khí buồn rầu, vì sao mắt mẹ An luôn ướt. Và vì sao, ở trong một căn nhà lớn thế này mà nụ cười lại thiếu vắng như chưa từng tồn tại bao giờ? Ân bảo với An, hãy cười bằng trái tim. Bất kì điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. An nghe xong, bất giác bật cười. Dưới ánh nắng, bên khung cửa sổ, Ân đã thề đó là nụ cười đẹp nhất mà Ân từng thấy.

Năm lớp 11, một chàng trai xuất hiện. Có đôi mắt đẹp không thể tả. Có giọng nói trầm khàn và bình yên. Có sự sâu sắc không ai ngờ. Có cả nụ cười những tưởng có thể xóa hết mọi nỗi đau. Nhưng Duy rất ít cười. Duy ngồi bàn cuối, hay nhìn ra cửa sổ và thường xuyên gục đầu lên bàn. Một ngày nắng lá rơi nhiều, An xách cây guitar lên lớp và ngồi đàn cho Ân nghe. An đàn, Ân cười – không biết rằng có một người đang chăm chú nhìn cảnh tượng đẹp hơn tranh vẽ đó. Ngoài kia mùa Thu kéo đến, gió thổi xào xạc qua ổ cửa sổ, gió thổi bay cả mái tóc xù của An, thổi tới Duy mùi thơm dịu như cánh rừng sau mưa.

Duy chính thức bước vào mối quan hệ của cả hai như thế.

Ân từng hỏi An:

  • Nếu buộc phải lựa chọn vì một chàng trai?

  • Đừng bao giờ bắt chúng ta phải lựa chọn. Nếu phải lựa chọn, hãy lựa chọn chính chúng ta, như cái cách tao đã luôn chọn mày.

Nhưng Ân không thể che giấu được sự phát điên của mình vì Duy. Nó tìm mọi cách để được xuống bàn cuối ngồi gần Duy và An. Không biết bằng cách nào, nó xin được một tờ giấy chứng minh mình bị viễn thị và sắm ngay một cặp kính viễn cho đúng điệu nữa. Khi đã được an vị tại nơi mong muốn, chính nó – không ai khác – với những câu chuyện thì thầm, hài hước của mình, khiến Duy phải bật cười to không kìm chế ngay trong giờ giảng của cô. Điều này làm tất cả mọi người đều ngạc nhiên, vì chưa từng có ai có thể khiến Duy trở nên như thế. Chỉ riêng An là ngồi im lặng, cười mỉm một mình rất lâu.

Duy bắt đầu nghĩ về Gia Ân – Gia An nhiều hơn.

Một người, với sự nhiệt huyết và chân thành, mọi điều buồn bã đều ngay lập tức hóa vui tươi và thiết tha, như chính cái cách cô ấy cười. Một người, với tóc xù, và mùi hương mát lạnh, cùng những ngón tay dài tạo ra tiếng đàn trầm đục, như chính cách cô ấy cô độc. Cả hai, thấm đẫm cuộc sống của Duy theo cách không ngờ nhất. Như một sáng mưa, mở mắt dậy, xúc động biết bao khi không gian chứa đầy hình bóng của một người. Duy nghĩ về nụ cười của Ân luôn luôn, nhưng An – với sự cô độc của chính mình – lại xuất hiện trong giấc mơ Duy nhiều nhất. Duy không hề che giấu điều đó. Khi cả ba ngồi với nhau trong quán nhỏ đầy mùi cà phê nồng ấm, ánh mắt Duy nhìn An lặng lẽ, nhiệt thành. Ân ngồi đó, mắt cười, miệng cười, long lanh. Nhưng lòng lại buồn rầu không nguôi, tiếc nuối.

An đến gặp Duy, vào một buổi chiều lộng gió. Tóc An bay che khuất cả mắt Duy, dậy lên trong không gian mùi hương nồng ấm.

  • Duy này, tại sao ít thấy Duy cười?

  • Niềm vui khó tìm quá.

  • Nhưng dạo này thấy Duy cười nhiều hơn rồi đấy.

  • Có lẽ là nhờ Gia Ân. Làm sao có thể ngồi yên với Ân suốt một buổi học cơ chứ.

  • Ừ, đúng… Có Ân… rất vui. Ân xinh và tốt bụng. – An cười lặng lẽ sau câu nói ngập ngừng.

  • Thật sự thì… chưa bao giờ Duy nghĩ giữa hai đứa con gái có thể tồn tại một thứ tình bạn như thế.

  • Duy có biết cái cảm giác, một ngày đẹp trời, tự dưng một ai đó bước vào cuộc đời Duy theo cách ít ai ngờ nhất. Người đó mang đến niềm vui chân thành và thiết tha vô cùng, đến mức Duy không bao giờ muốn nụ cười đó mất đi không? Ân mang đến cho An niềm vui mà An chưa bao giờ có được.

  • Kể Duy nghe hết đi, An.

Và rồi An kể. Mọi thứ về Ân. Về ngày đầu tiên Ân chạy đến bên An. Cả những buổi trưa nắng Ân mò lên nhà An cùng hộp kem khổng lồ. Là người đầu tiên làm mẹ An cười, làm không khí trong nhà An bớt căng thẳng. Là người đầu tiên ngôi nghe An đàn bên lan can ngày mưa nơi góc trường. Là đứa con gái kiêu kỳ nhưng tốt bụng nhất trên đời.

  • Tin An đi. Ân sẽ làm cho Duy thấy nhiều thứ ý nghĩa hơn nhiều. Sẽ mang đến cho Duy những điều hạnh phúc nhất.

Sau hôm ấy, ít ai biết An hay đứng khóc lặng lẽ một mình nơi lan can. Có hề gì. Niềm vui của cả Duy – và Ân – là đủ rồi. An không cần gì hơn.

Từ đó, cả ba hay đi chung với nhau. Vui như hội. Tuổi trẻ trôi qua chân thành và giản đơn. Ngày ngày cũng nhau vùi đầu vào đống bài tập cao ngất. Đôi lúc, cả ba hứng chí lên và xách ba lô đi xa. Hoặc ngồi ở vệ đường, An đàn, Ân hát, Duy ngồi cười ngặt ngẽo. Mắt Duy nhìn cả hai long lanh và thương yêu. Thời gian trôi nhanh ngỡ ngàng. Mùa Hè năm lớp 12 bắt đầu. Giữa lúc Duy và Ân cuống lên cho những kỳ thi căng thẳng, thì An vẫn luôn bình thản. Mắt An đôi khi ướt không lý do. Không ai biết nó nghĩ gì, cảm thấy gì. Những cuộc đi chơi ba người dần biến mất. An thường xuyên nhốt mình trong nhà. Ân – vẫn vô tâm và vô tư, quay cuồng cùng bài vở, những hoạt động cuối khóa. Và Duy.

Có một vài buổi chiều đẹp trời, An tìm Duy. Đi dạo. Nói vu vơ chuyện trên trời dưới đất. Mái tóc An bỗng dưng đổi khác, mỏng manh và yếu ớt. Tuy nhiên, ánh mắt vẫn ánh lên sự thông minh và điềm tĩnh, những điều ở An đã từng thu hút Duy. Họ đi bên cạnh nhau, không nói gì. Thỉnh thoảng bàn về kỳ thi căng thẳng phía trước. Giọng Duy nhuốm màu lo âu. Duy hỏi vì sao An luôn bình thản. Giọng An trầm khàn: “Đôi lúc An biết mình không giống như bao người khác. An hài lòng với sự cô độc của bản thân. Cuộc đời là của mình, là sống cho mình, chứ không phải cho người khác. Chẳng ai biết nó ngắn hay dài, hoặc ngày mai có tận thế hay không? Chỉ biết sống hết mình cho hiện tại, chơi những bản nhạc An thích, cùng Ân đi ăn kem, dạo phố phường nhận xét người lạ, hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên cửa sổ và nghe tiếng nó cười… là đủ. Cho nên… Duy đừng bao giờ bỏ rơi Ân nhé. Nếu một ngày nào đó An không còn bên cạnh Ân nữa, thì An vẫn yên tâm. Vì còn có Duy”.

Ánh mắt An và con gió của buổi chiều hôm đó luôn trở lại trong ký ức của Duy sau này. Đến mức, Duy đã từng tin buổi chiều hôm đó như một giấc mơ – chưa bao giờ là thật. Từ hai cô gái này, Duy nhận ra thêm nhiều ý nghĩa của cuộc đời, của tuổi trẻ, của sự tự do. Như cái ngày An nhập viện để bước vào cuộc điều trị lớn nhất của An, Duy đứng nhìn cảnh Ân thất thần và buồn bã, đôi bàn tay nhất định không rời khỏi tay An, mặc cho bố mẹ An và bác sĩ năn nỉ đến thế nào. Giờ thì Ân đã hiểu, vì lẽ gì An sống khép kín bản thân, vì lẽ gì An giấu nhẹm nỗi niềm thiết tha của mình với Duy vào sâu trong lồng ngực, và dành tất cả môi điều tốt đẹp nhất mà nó có cho Ân – người đầu tiên chạy về phía nó và đề nghị chung đường, khiến nó cảm thấy cuộc sống này đáng quý biết bao. Ân tự trách chính mình, vì đã quá vô tâm, chỉ biết cười và vui, chẳng bao giờ để ý vì sao tóc An hay rụng nhiều, vì sao mắt An và mẹ An luôn ướt, và vì sao – từ ngày có Duy, An viết được nhiều bản nhạc đượm màu vui tươi… Ở phòng chờ bệnh viện, Ân gục đầu lên vai Duy, rì rầm cầu nguyện. Nước mắt thấm ướt áo Duy. “Cảm ơn Duy, vì một nơi ngả đầu trong lúc này”. Duy thì thầm: “Duy sẽ vì An, và vì chính Duy nữa, luôn là nơi để Ân có thể yên tâm mà tựa vào. Bất kể chuyện gì xảy ra”.

An mất vào mùa Hè năm đó. Ân giữ đúng lời hứa của mình, không được khóc bù lu bù loa lên mỗi lần gặp nhau. Và thi đậu Đại học. Có một cái rương gỗ nhỏ trong phòng của An cùng mảnh giấy đính kèm: “Cho Gia Ân. Cho tình bạn chúng ta”. Trong đó là một bó hoa khô, một xấp ảnh, một vài cuốn sách cả hai yêu thích, những chiếc vé xem phim và đủ thứ hầm bà lằng không tên khác. Có cả một tâp giấy nói chuyện mà cả hai từng say sưa trong giờ học Văn chán ghét. Ân ngồi lần giở từng tờ, đọc không sót một chữ. Cười một mình mãi không thôi. Tất cả chứa đựng mọi điều tốt đẹp nhất mà Ân từng có: Tình bạn, tình yêu, lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Nó ngồi lặng yên bên cửa sổ, nhìn đám lá cây xào xạc ngoài vườn, nỗi buồn vẫn căng đầy nơi lồng ngực. “Đừng bao giờ bắt chúng ta phải lựa chọn. Nếu phải lựa chọn, hãy lựa chọn chính chúng ta, như cái cách tao luôn chọn mày, An ơi”.

Mùa hè năm đó. Với sự xuất hiện của một người. Và sự ra đi của một người. Đã làm nên những năm tháng khó quên nhất trong cuộc đời.

Thiên Bình.

image