Tìm việc và kinh nghiệm làm freelancer trên upwork (từ a – z)

Giữa tháng 06/2020, Quyên đăng nhập lại vô tài khoản Upwork mốc meo từ năm 2016 của mình, chính thức trở lại làm freelancer trên Upwork.

Lúc đó, với một tài khoản trắng còn hơn cả Ngọc Trinh, Ngọc Quyên vẫn hừng hực khí thế, tự tin tìm kiếm những chiếc job đầu tiên của sự nghiệp làm Upworker. Và thật đáng ngạc nhiên, chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ tìm kiếm và trao đổi qua lại với client, Quyên đã may mắn “chốt đơn” được khách hàng đầu tiên của mình trên Upwork – một travel blogger (Thụy Điển) đang cần người viết nội dung cho blog du lịch của mình.

Liên tiếp những ngày sau đó, Quyên vừa làm việc với client này, vừa tranh thủ tìm kiếm thêm những khách hàng khác trên mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quyên lại tìm được một công việc khác cực kỳ phù hợp – blog content manager (khách hàng Đức) – chỉ với công việc là nghĩ ra ý tưởng nội dung cho bài viết, tìm từ khóa thích hợp và cập nhật tất cả vào content planner. Nội dung sẽ do những ghost writers khác đảm nhiệm.

Vậy là trong một khoảng thời gian “tái xuất giang hồ” cực ngắn, hồ sơ trên Upwork còn chưa hoàn thiện & chưa có bất kỳ lịch sử công việc nào, Quyên đã có cho mình 2 khách hàng dài hạn, mang tới nguồn thu nhập $1,400/tháng!

Hiện tại thì một hợp đồng đã hoàn thành xong, một cái thì tiếp tục gia hạn, và cũng vừa lúc Quyên lại tìm được cho mình 3 đối tác hấp dẫn khác, bao gồm một tạp chí du lịch online (khách hàng UK), một tạp chí du lịch xuất bản ở Bỉ (viết bằng tiếng Anh và sẽ có team dịch lại) và một khách hàng cá nhân (người Na Uy) có nhu cầu viết blog du lịch sang chảnh (đây cũng là job trả lương tốt nhất với mức phí $100/giờ!).

Vậy thì làm thế nào để Quyên có thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng “béo bở” như vậy, gửi proposal thành công và liên tục nhận được việc tốt trên Upwork?

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và kinh nghiệm làm freelancer trên Upwork

Trước khi xuất bản bài viết này, tất nhiên là Quyên đã phải tham khảo nhiều bài viết tương tự khác về chủ đề làm freelancer trên Upwork để có thêm nhiều thông tin chi tiết.

Tuy nhiên khi tìm kiếm với Google thì lại gặp phải 2 vấn đề: 1) là những bài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân rất ít, chủ yếu là chia sẻ chung chung hoặc chia sẻ về những nền tảng khác của Việt Nam, và 2) là những người chia sẻ chân thành nhất lại đều rơi vào nhóm IT/Tech mà KHÔNG MỘT AI là freelancer trong lĩnh vực viết lách như Quyên hết.

OK, đọc tới đây, nếu cũng là dân IT và đang muốn tìm việc trên Upwork ở mảng này, bạn có thể… ngừng đọc tiếp nội dung bài viết này của Quyên & có thể click để đọc những bài chia sẻ từ dân IT này sẽ hợp lý hơn nè:

Mặc dù đều là công việc freelancer nhưng chắc chắn cả bạn và Quyên đều hiểu rằng, mỗi một nhóm freelancer khác nhau sẽ có những lợi thế và bất lợi khác nhau. Với nhóm IT/kỹ thuật nói chung, ưu điểm của họ có là:

  • Nhu cầu của thị trường rất cao, ngày càng cao nữa là khác.
  • Tiếng Anh không phải là ưu tiên hàng đầu. Họ chỉ cần tiếng Anh giao tiếp để trao đổi và hiểu JD, còn lại coding hay IOS developing gì thì đã là ngôn ngữ toàn cầu rồi.
  • Một điều hơi nhói lòng, đó là những job này client thường lựa chọn freelancer ở các nước đang phát triển để được giá nhân công rẻ hơn so với những nước khác. Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, v.v… luôn là những nước được “ưu tiên” trong mục Criteria của khách hàng (cái này chỉ là cảm nhận chủ quan và sơ sài của Quyên khi thử tìm kiếm job bên mảng này coi như thế nào, có thể đúng có thể sai à nha!).

Ngược lại, với những job chuyên về mảng viết lách (các thể loại viết lách như blog writing, copy writing, ghost writing, v.v…) thì lại gặp phải những điểm bất lợi như sau:

  • Nếu không phải là job viết bằng tiếng Việt 100% (siêu siêu siêu hiếm) hoặc dịch thuật Việt-Anh/Anh-Việt thì phần lớn job là bằng tiếng Anh , yêu cầu trình độ tiếng Anh phải là native (bản ngữ) hoặc bilingual (song ngữ).
    Bilingual có thể hiểu là kiểu như Việt Kiều sống lâu năm, có thể sử dụng thành thạo cả hai thứ tiếng trong 2 môi trường thuần ngôn ngữ đó. Sử dụng tiếng Anh như kiểu người Việt mình hiện tại – kiểu nghe nói đọc viết được nhưng chỉ gói gọn trong môi trường ở VN – nhiều khi cũng chưa được tính là bilingual đâu
  • Nhiều client còn có cả Criteria bắt buộc ứng viên phải đến từ một số vùng lãnh thổ/khu vực nhất định . Cái này có 2 lý do: ngôn ngữ và múi giờ. Nhiều job yêu cầu ứng viên phải đến từ các nước sử dụng tiếng Anh (UK, US, Can, Aus…) và cũng có nhiều job yêu cầu ứng viên phải ở châu Âu, bờ Đông hoặc bờ Tây (Mỹ) để tiện cho việc trao đổi trực tiếp (nhất là các job VA hoặc vì tính chất công việc cần trao đổi nhiều).
  • Tỉ lệ cạnh tranh rất cao . Những job ngon thường chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đóng job vì đã tìm được ứng viên. Chưa kể nếu là người Việt thì khả năng cạnh tranh với các ứng viên nước ngoài khác cũng bị kém hẳn, trừ khi bạn viết về một lĩnh vực quá đặc biệt, ít người viết được.
  • Hiện tại, nhiều client cũng thích chọn freelancer người Philippines vì 2 lý do: Họ sử dụng tiếng Anh rất tốt (tốt nhất nhì khu vực ĐNÁ) và giá thành lại rẻ (so với freelancer từ một nước nói tiếng Anh siêu khủng khác là Singapore chẳng hạn). Không ai có thể đánh bại mức rate vô đối $5/giờ của các bạn dân biển đảo Philippines hết!!!

Rồi… tới đây đã là xong phần giới thiệu sương sương về Upwork để chuẩn bị tinh thần cho bạn bắt đầu “tham chiến” rồi nè! Phần tiếp theo, Quyên lại chia sẻ thêm về những bước căn bản để bạn có thể tạo tài khoản, tìm kiếm job phù hợp, viết lời chào hàng cho hấp dẫn để cuối cùng là tìm được khách hàng trên “trển” nha!

1. Tạo tài khoản trên Upwork

Upwork hiện có 2 loại tài khoản cho freelancer: miễn phí và có phí. Với người mới bắt đầu thì tài khoản miễn phí đã là quá tốt rồi. Nhược điểm của nó là bạn sẽ không được nạp thêm Connects (kiểu như điểm, dùng để đi kết nối với khách hàng) mà phải tự mua với giá $1.5/10 connections.

Khi tìm kiếm khách hàng và muốn gửi lời chào thầu (Submit a Proposal), Upwork sẽ cho bạn biết mình cần phải có bao nhiêu Connect để kết nối với khách hàng. Nếu không đủ thì bạn sẽ không chào thầu được & phải đi mua thêm (nếu muốn).

Quyên tạo tài khoản Upwork từ năm 2016. Ở thời điểm đó, việc tạo và được duyệt rất dễ dàng, chỉ cần bạn điền hết các thông tin cần thiết, nội dung không vi phạm điều khoản sử dụng của Upwork (kiểu như phân biệt chủng tộc chẳng hạn) là sẽ được duyệt thôi.

Hiện tại, nhiều bạn đọc có hỏi Quyên chia sẻ kinh nghiệm làm CV trên Upwork để được duyệt. Lúc này Quyên mới biết là Upwork đã duyệt gắt hơn hồi xưa nhiều rồi.

Cũng vì vậy mà Quyên không thể chia sẻ được cho bạn về kinh nghiệm làm sao để được duyệt tài khoản (tại có đâu mà chia, ahihi), nhưng một số gạch đầu dòng sau đây có thể sẽ có ích nè:

  • Tên tuổi rõ ràng, tên thật càng tốt, đừng lấy những cái tên kiểu Lilly Rose hay Thor, Man in Black đại loại vậy. Đây là chỗ để làm ăn, không phải chỗ để thả thính hay đóng vai người bí ẩn.
  • Ảnh chụp nên là kiểu hình dành cho LinkedIn, không phải Insta hay Facebook. Hình chính diện, không cần phải mặc vest hay gì lồng lộn, chỉ cần gọn gàng, sáng sủa là OK.
  • Chia sẻ về kinh nghiệm việc làm nên tập trung vào mảng mà bạn muốn tìm kiếm trên Upwork. Không cần ghi chi tiết như CV tìm việc ngoài đời, nhưng phải rõ ràng, dễ hiểu, nhìn vô một cái là biết bạn đã làm gì, có kinh nghiệm gì…
  • Khi tạo tài khoản thì nên dành thời gian để Verify Identification , bao gồm chụp hình passport và gọi điện thoại với nhân viên của họ để xác nhận. Bằng cách này, tài khoản của bạn sẽ có dấu tick xanh, client nhìn vô cũng sẽ thấy mình chuyên nghiệp hơn hẳn.

Chia sẻ kinh nghiệm làm freelancer trên Upwork 03

Đây là account của Quyên với dấu tick xanh. Khách hàng sau khi ký hợp đồng thì sẽ được biết thông tin đầy đủ của freelancer.

2. Tìm kiếm khách hàng

Như lúc nãy Quyên có nói, công việc viết lách có thể bao gồm rất nhiều ngách nhỏ như viết bài PR, viết blog, viết sách, ghost writing, viết nội dung bán hàng, v.v… Đó là chưa kể chủ đề như y tế, giáo dục, du lịch, kinh tế, blah blah blah.

Vậy thì làm sao để bạn có thể xác định được khách hàng mục tiêu và gửi lời mời thầu hiệu quả đây?

2.1 Xác định điểm mạnh của bạn là gì

Một trong những lý do mà Quyên rất thành công trong việc tìm job trên này chỉ trong một thời gian ngắn, đó chính là biết mình biết ta.

Khi tìm việc, Quyên chỉ có 2 nhóm đối tượng khách hàng: hoặc là viết về du lịch, hoặc là viết theo dạng blog.

Việc giới hạn xuống cực kỳ thấp như vầy sẽ giúp Quyên 1) đỡ phải mất công tìm kiếm nhiều, 2) tăng độ liên quan của CV trong tương lai, và 3) thuận tiện cho chính bản thân mình khi làm việc.

Ví dụ như vầy nha: Trong mảng content du lịch, bạn có thể thấy những job như viết nội dung tour, viết newsletter, làm VA cho blogger, viết e-book du lịch và 101 các kiểu job khác nhau chỉ trong một lĩnh vực là du lịch. Mỗi một kiểu viết tất nhiên sẽ đòi hỏi những kỹ năng và kỹ thuật viết khác nhau, và không phải ai cũng có thể cân được hết chừng đó thứ.

Với Quyên, viết về đề tài du lịch là ưu tiên hàng đầu, vì trước giờ Quyên chỉ toàn viết về du lịch mà thôi, cùng lắm thì có lifestyle và ẩm thực – đều là những chủ đề ít nhiều có liên quan. Thậm chí trước khi làm freelancer trên Upwork, 100% các bài cộng tác của Quyên đều là trong mảng này, mảng khác không nhận

Tiếp theo, thể loại blog là cái mà Quyên viết thành thạo nhất ở thời điểm hiện tại. Vậy thì việc tìm một job viết blog du lịch sẽ giúp Quyên phát huy hết tất cả những thế mạnh của mình. Công việc sẽ trơn tru hơn, chất lượng tốt hơn, khách hàng hài lòng, và thế là win-win!

2.2 Các mẹo tìm khách hàng

Hy vọng là với chiếc screenshot này, bạn có thể hình dung được những mẹo tìm kiếm khách hàng căn bản mà Quyên hay áp dụng! Nếu không thì bạn có thể đọc tiếp các gạch đầu dòng phía dưới hình, hahaha!

  • Từ khóa: Càng chi tiết càng tốt. Thay vì travel, hãy gõ travel blog, travel books, travel writing, v.v…
  • Filter : Chọn ra những job có càng ít người nộp càng tốt. Bạn cũng có thể dùng chức năng này để lọc các yếu tố như lương theo giờ hay lương cố định, job ngắn hạn hay dài hạn, yêu cầu một tuần làm bao nhiêu tiếng, vị trí địa lý của khách hàng, lịch sử giao dịch của khách hàng, v.v…
  • Sort: Luôn luôn chọn Newest (việc mới đăng sẽ xuất hiện trước) hoặc Relevance (việc liên quan nhất với từ khóa).

Tiếp theo, bạn có để ý là ở phần đầu bài, khi liệt kê khách hàng, Quyên có ghi luôn họ đang ở đâu không? Và bạn có thấy điểm chung gì giữa tất cả họ với Quyên không?

Câu trả lời đó là tất cả những khách hàng hiện tại của Quyên 100% đều ở châu Âu và đều trong cùng một múi giờ với Quyên, chênh lệch chỉ có khách hàng UK là đi sau giờ Na Uy 1 tiếng, còn lại đều chung tầm giờ Central Europe.

Khi chọn khách hàng, Quyên thường xuyên cố tình chọn những khách như vậy để có thể tận dụng ưu điểm là cùng múi giờ với nhau, rất dễ trao đổi và làm việc. Những khách hàng cùng múi giờ, có khi vừa mới gởi chào thầu xong là nhận được hồi âm ngay lập tức.

Khách hàng đầu tiên ở Thụy Điển là vậy, gửi-hồi âm-trao đổi thêm-chốt đơn chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ mà thôi. Những khách hàng khác thường họ sẽ liên hệ lại với Quyên trong ngày, Quyên cũng hồi đáp nhanh cấp tốc luôn (vì cùng khung giờ và cài app Upwork trên điện thoại). Việc trao đổi và giao dịch vì vậy rất nhanh chóng, và khách hàng họ thích điều đó!

Lời khuyên của Quyên: Hãy chọn khách hàng ở tầm múi giờ của mình, đừng chênh lệch nhiều quá. Freelancer ở VN mà khách ở bờ Tây là thấy giờ giấc làm việc hơi éo le rồi đó. Chưa kể nhiều khi họ cũng không muốn chọn mình, có gửi chào thầu cũng sẽ tốn thời gian và Connect mà thôi! Tất nhiên là nếu bạn cảm thấy mình có thể sắp xếp thời gian tốt để làm việc được, hoặc nếu công việc không yêu cầu về thời gian/múi giờ thì cứ mạnh dạn mà nộp thôi!

2.3 Những “khung giờ vàng”

Cách này Quyên áp dụng cho giờ giấc làm việc tại châu Âu nói chung. Nếu áp dụng ở châu Á, bạn nên tự điều chỉnh nha.

Thường thì Quyên không lên Upwork tìm việc mỗi ngày đâu mà sẽ là cách 2 ngày/lần. Khi nào không có job gì hoặc các job gần tới hạn xong rồi thì mới lên mỗi ngày để tìm việc mới thôi.

Trong tuần, Quyên sẽ lên Upwork tìm kiếm theo các khung giờ sau:

  • 9h sáng
  • 12h trưa
  • 2 – 3h chiều
  • 8 – 9h tối

Trong đó, 3 khung giờ đầu là để tìm những khách ở châu Âu hoặc cùng múi giờ với châu Âu. Nhiều khi gặp khách post chưa tới 5 phút là Quyên đã nhào vô nộp CV rồi. Lúc đó có thể họ vẫn còn đang trên Upwork hoặc đang làm việc với máy tính & sẽ nhận được thông báo có người gửi CV ngay lập tức.

Quyên thường không tìm khách Úc/NZ vì lệch múi giờ nhiều quá, chưa kể họ viết Australian English là cái mà Quyên không hề rành.

Khung giờ cuối cùng (8 – 9h tối ở châu Âu) sẽ tương đương với tầm giờ trưa & chiều ở Mỹ. Quyên tìm cho biết, có khi cũng lọt một khách châu Âu nào đó post giờ này, chứ cũng không hứng thú nhận khách USA lắm, cũng chuyện múi giờ thôi. Khi mình làm việc thì họ ngủ, còn khi họ làm việc thì mình lại phải lo chuyện gia đình chẳng hạn.

Tất nhiên đây là những ưu tiên cá nhân của Quyên, còn nếu bạn không vướng bận gia đình và con cái, giờ giấc sinh hoạt thoải mái thì cứ tự tin tìm kiếm khách hàng khắp 5 châu 4 bể thôi nè!

3. Gửi chào thầu (Submit a Proposal)

Khi gửi chào thầu, thường sẽ có hai loại khách hàng: 1) Bạn chỉ cần gửi cover letter ngắn gọn và submit, và 2) là bạn phải trả lời thêm các câu hỏi phụ râu ria của khách hàng. Mục đích của việc hỏi này là để lọc ứng viên, hạn chế những freelancer copy paste cover letter gửi vô tội vạ đó!

Khi gửi chào thầu, ngoài chuyện giới thiệu sơ về bản thân, điểm mạnh, vì sao lại muốn nhận job này thì tất nhiên là Quyên không thể không thòng thêm 2 cái blog của mình vô rồi. Mục đích thì không nói ra ai cũng biết – là để cho khách hàng thấy mình có thể viết được content du lịch + thể loại blog + ngôn ngữ tiếng Anh như thế nào!

BÀI VIẾT RẤT LIÊN QUAN: TẠI SAO FREELANCER NÊN CÓ BLOG RIÊNG?

Ngoài ra, trong cover letter bạn cũng nêu thêm mình đã từng làm những job tương tự như thế nào, nếu không ràng buộc phải giữ bí mật khách hàng & nếu khách hàng nổi tiếng một chút thì bạn có thể đề cập thêm để “tăng đô” cho cover letter của mình.

Tới bước này thì quyền quyết định là ở phía khách hàng rồi, nên việc của bạn chỉ là… hy vọng và chờ mong thôi

4. Những chia sẻ khác

Tới bước này, nếu đã nhận được job thì XIN CHÚC MỪNG BẠN NHA! Việc tiếp theo là bạn phải hoàn thành job cho đúng hạn và đảm bảo chất lượng công việc và bài viết của mình rồi heng.

Phần này, Quyên chia sẻ thêm lý do làm sao để làm freelancer trên Upwork mà kiếm được thu nhập tốt và ổn định như vậy. Câu trả lời rất đơn giản:

  1. Quyên chỉ tìm kiếm những job trả lương cao , ít nhất là phải từ $20/giờ trở lên hoặc phải trả flat-rate theo tháng cố định. Với $1,400/tháng đó thì Quyên có 1 khách hàng trị giá $1,000/tháng và khách còn lại là $100/tuần x 4 tuần.
  2. Quyên cũng chỉ tìm kiếm những khách hàng cam kết công việc lâu dài , khoảng tầm ít nhất là 1 – 3 tháng hoặc hơn. Quyên không thích nhận những job lẻ, vì tiền công không đáng là bao, lại lắt nhắt rất khó chịu!

Tất nhiên là job lương cao thì phải đi kèm với yêu cầu cũng cao. Job dài hạn cũng vậy, freelancer phải đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc cực tốt để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách… gia hạn hợp đồng” chứ!

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp Quyên thấy các freelancer khác nhận nhiều job nhỏ lẻ, nhưng nếu họ có thời gian và biết sắp xếp công việc thì thu nhập của nhiều job nhỏ cộng lại trong một tháng cũng rất gì và này nọ. Nói chung tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu (kiếm tiền) và sự lựa chọn của freelancer thôi.

Một chia sẻ khác về việc làm freelancer trên Upwork đó là vấn đề ngôn ngữ. Thường những job yêu cầu ngoại ngữ đặc biệt, client họ sẽ gửi thư mời phỏng vấn riêng cho ứng viên là người biết thứ tiếng đó. Quyên đã từng nhận vài lời mời phỏng vấn cho các job về dịch thuật có liên quan tới tiếng Na Uy vào khoảng tầm 2016, 2017 nhưng đều từ chối vì không đủ tự tin.

Phổ biến nhất vẫn là tiếng Anh, và tất nhiên cạnh tranh cũng nhiều nhất. Tùy vào job mà client sẽ có những yêu cầu cụ thể như độ thành thạo (bản ngữ, song ngữ, tiếng Anh giao tiếp…), các kiểu tiếng Anh khác nhau (tiếng Anh kiểu Anh, Mỹ, Canada, Úc hay Nam Phi) và có khi là tiếng Anh theo chủ đề (business, conversational, medical…)

Đã từng có bạn đọc hỏi Quyên về khả năng tiếng để nhận việc trên Upwork. Cái này thì Quyên hoàn toàn không thể nói trước được, vì nó phụ thuộc vào khách hàng và nhu cầu của họ. Ngoài ra, trừ khi bạn có bằng cấp hay chứng chỉ cụ thể, còn lại thì mọi sự đánh giá đều là chủ quan hết.

Tuy nhiên, đã gọi là công việc liên quan tới viết lách thì ưu tiên hàng đầu phải là khả năng sử dụng và làm chủ ngôn ngữ mà bạn viết (mastering the language).

Vì vậy, hãy trau dồi khả năng viết tiếng Anh của mình thật tốt (bằng cách đọc sách bằng tiếng Anh và tăng cường luyện viết) để có thể tự tin làm freelancer trên Upwork nha!

Hy vọng là bài chia sẻ về kinh nghiệm tìm việc và trở thành freelancer trên Upwork cực kỳ dài (gần 4.000 chữ) và có tâm này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để tự tin tìm việc và gặt hái nhiều thành công với Upwork nha!

Theo QUYEN LE GJONE