Kinh doanh FnB: ĐỪNG CHI TIỀN QUẢNG CÁO NẾU KHÔNG LÀM EVENT (Bài áp dụng được đa ngành)

Nếu như bạn đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh trong ngành FnB, đang chi tiền cho quảng cáo và xót xa thì tiền thì ra đi mà khách thì không thấy đến.

Bài viết này là dành cho bạn. Hãy đọc hết bài viết này, bạn sẽ tìm được giải pháp của riêng mình.

Bài viết này tuy tui viết cho cụ thể ngành FnB nhưng nguyên lý và cách thức hoàn toàn có thể áp dụng được cho các ngành không đặc thù khác.

(Dành cho những anh chị em đa ngành đã tin tưởng inbox hỏi tui nhiều ngày qua)

Tui là Thông Phan , và tiếp tục chuỗi series chia sẻ kinh doanh trong ngành FnB. Trong bài sẽ đề cập đến nhiều khái niệm như trải nghiệm khách hàng, điểm chạm,…

Mọi người có thể đọc lại những bài chia sẻ trước ở tường cá nhân của tui nhé.

Như vậy mới hiểu sâu được, còn hiểu hời hợt là không làm được đâu.

Thực tế thị trường

Các anh chị em cứ hình dung, việc chúng ta đang kinh doanh cũng giống như những con cá đang bơi tứ phương trong biển lớn để kiếm ăn, sinh tồn.

Vậy muốn tồn tại và lớn hơn, chúng ta buộc phải biết môi trường xung quanh chúng ta đang có gì, thế nào đúng không?

Có như vậy mới biết chỗ nào nước ấm sống tốt, không có kẻ thù, có nhiều thức ăn mà phát triển được. Đúng chưa?

Nhiều anh chị em cứ thấy người ta làm cái gì, rồi sợ hãi làm theo là không ổn. Làm kiểu đó chỉ có đường chết thôi. Mình kinh doanh rồi, phải hiểu lúc nào nên làm cái gì chứ không theo đám đông vậy được.

Vậy thị trường hiện tại đang như thế nào?

  • Có rất nhiều đối thủ : Có rất nhiều cá giống như chúng ta, cùng nhau săn 1 loại thức ăn. Vậy càng làm giống người khác bao nhiêu, chúng ta càng dễ chết bấy nhiêu. Tương tự như thế, khi bạn làm gì đó tốt chắc chắn cũng lập tức bị copy. Càng nhiều người copy, cách làm đó càng kém hiệu quả dần đi.

  • Có quá nhiều thông tin : Trong một đại dương đỏ thì kẻ buôn vũ khí và đào tạo là hốt bạc nhất. Ở đây những Agency quảng cáo, chụp hình, thiết kế, bán tool, cũng như thế. Bạn không thể sống sót nếu thiếu những đối tác này nhưng vấn đề là cần chọn đúng và làm đúng, và hiểu vì sao mình làm. Không phải ai đến chào gì cũng muốn thử muốn làm cả.

  • Có quá nhiều biến động : Thói quen khách hàng đang thay đổi, mối quan tâm thay đổi. Sự chuyển dịch từ ăn tại chỗ lên mua về, gọi ship. Kênh thông tin thay đổi từ báo chí, sang mạng xã hội. Nhóm trẻ còn thêm Instagram, Tiktok. Nếu khách hàng đang nằm trong nhóm này, mình không hiểu được và nắm được là mình chết.

Vậy cần làm gì?

Không cần làm nhiều, chúng ta cần làm ít, nhưng hiệu quả và quan trọng nhất là khó bị COPY .

Với những thứ bạn đã đang làm, tăng thêm độ sâu của nó để khiến người khác khó bắt chước theo.

Tại sao phải làm Event

Khách hàng của bạn, mỗi ngày bị tấn công new feed dày đặc. Chỉ cần tương tác hay nhắn tin với 1 page chè ăn vặt, lập tức ít sau sẽ ngập tràn quảng cáo về chè. Nhà hàng, hay quán bia cũng thế.

Thuật toán AI của FB làm tốt chuyện đó đến nỗi, nếu người khác biết cách thể hiện sản phẩm họ tốt hơn (còn tốt hơn thật không KH không biết vì họ đều chưa thử) thì coi như mình mất khách.

Vậy để giải bài toán này, chúng ta cần sự NỔI BẬT . Một sự khác biệt mà khi họ nhìn thấy, lập tức bị ấn tượng.

“Ồ, cái gì đây nhỉ? Có vẻ vui. Thử xem”

Lời giải tốt nhất chính là sự kiện Offline. Sự kiện sẽ tạo ra cho bạn một lợi thế về trải nghiệm khách hàng và điểm chạm. Thứ giúp bạn vượt trội hơn các đối thủ khác cùng sản phẩm.

(Đọc lại bài Điểm Chạm trải nghiệm tui đã chia sẻ trước)

Còn một yếu tố quan trọng nữa là bạn sẽ tránh được bị copy rất nhiều.

Bởi vì cho dù đầu tư cho content, hình ảnh tuyệt vời cỡ nào, đối thủ của bạn cũng hoàn toàn có thể Copy được. Nhưng việc tổ chức sự kiện thì lại hoàn toàn khác, nhiều bước hơn, cần nhiều nguồn lực hơn và cũng rủi ro hơn, mất công hơn.

Nên nhớ những người có quan điểm ăn cắp, copy đa phần là những người lười, muốn ăn sẵn nên cái gì mà mất công, phải làm đủ thứ thì nó không làm đâu. Kiếm cái khác dễ hơn, nhanh hơn làm. Nên bạn sẽ giảm thiểu được cái này.

Còn nếu người ta đã chủ ý, theo dõi và phân tích bạn rồi thì cũng khỏi giấu. Kiểu gì cũng sẽ bị copy thôi. Nhưng làm sự kiện này thì copy cũng mất nhiều ngày chứ không như content chỉ trong 15’ là bị sao chép.

Thời gian đó đủ để bạn tạo được lợi thế và tiếp tục đi trước, làm thêm nhiều sự kiện nữa.

Và quan trọng, Event giúp bạn tăng trải nghiệm khách hàng lên tối đa.

Trong những năm làm FnB, tui chả thấy cái phương thức nào làm KH nhớ mình, chú ý đến mình và dễ làm bằng cái sự kiện cả.

Ở Event offline bạn có thể tạo rất rất nhiều điểm chạm khiến khách hàng ấn tượng sâu đậm về bạn, buộc phải kể cho bạn bè nghe về bạn và khả năng họ quay trở lại, dẫn bạn bè quay trở lại là cực kỳ cao.

Khách hàng là con người, mà con người thì sau tất cả chỉ nhớ những cảm xúc họ đã trải qua thôi. Muốn thắng lâu dài thì phải tạo được cảm xúc cho khách hàng của mình.

Tuyệt, nói hay quá. Quá hợp lý luôn rồi. Nhưng câu quan trọng là…

Làm Event như thế nào?

Làm Event theo như tui đang chia sẻ không gói gọn ở trong việc tổ chức 1 cái game gì đó cho người ta chơi, mà nó bao hàm những hoạt động khác trong chiến dịch.

Cụ thể là gì?

  • Đầu tiên, bạn cần tạo ra câu chuyện, một câu chuyện hấp dẫn có thể khiến khách hàng chú ý.

  • Sau, bạn cần làm mang cây chuyện đó ra hiện thực. Đây là bước làm sự kiện mọi người đang nghĩ.

  • Tiếp, lan tỏa nó đến với khách hàng của bạn.

  • Cuối cùng, để khách hàng chia sẻ tiếp đến bạn bè họ, những khách hàng tiềm năng tương lai.

Bước 1: Tạo ra câu chuyện.

Phần này là phần quan trọng nhất, hơn thua nhau ở chỗ ý tưởng.

Nguyên lý của phần tạo ra câu chuyện chính là hiểu rõ khách hàng của bạn. Biết họ thích gì, ghét gì, đang quan tâm cái gì thì sẽ rất hót.

Ví dụ ở trong buổi Workshop tại Hà Nội hôm trước, tui có demo 1 case là quán cà phê cờ tướng .

Đó là case về một quán cà phê bình thường, đang muốn tìm sự nổi bật và khác biệt.

  • Vị trí của quán nằm ở vị trí không quá nổi bật và trung tâm.

  • Khách hàng đến quán chủ yếu là khách trung niên

  • Giá bình thường, không đắt không rẻ

  • Chất lượng bình thường, không có sản phẩm key.

Tui đã thảo luận cùng mọi người và đặt ra giả định về sở thích của nhóm khách hàng trung niên, có thói quen uống cà phê ở đó là họ thích chơi cờ tướng. Do đó tui đã chọn keywords “cờ tướng” làm điểm thu hút và tạo câu chuyện cho nó.

Tức là mọi thứ mình làm trong đó sẽ đậm chất cờ tướng. Mình hiểu khách hàng mình là người thích cờ tướng.

Vậy câu chuyện mình có thể nghĩ loanh quanh keywords chính là “cờ tướng”.

Thế thì sẽ có giải cờ tướng, cờ thế, cờ mù, chơi cùng kỳ thủ…kiểu kiểu vậy.

Lúc này bạn hoàn toàn có thể chọn ra cái bạn "cảm thấy’ khả thi nhất. Dựa vào việc hiểu khách hàng, năng lực triển khai của bạn.

Oke, tui sẽ chọn câu chuyện về cờ thế.

Nhưng thế vẫn chưa hấp dẫn, một quán cà phê có nhiều cờ thế, chả đủ hấp dẫn. Nó cần mạnh hơn.

Tui sẽ nâng tầm nó lên. Quán cà phê có thử thách giải được cờ thế thì sẽ được tặng 1.000.000đ và miễn phí hoàn toàn hóa đơn.

Có vẻ khả quan hơn rồi, những ai thích chơi cờ có lẽ sẽ ghé thăm đấy.

Và chắc chắn sẽ có các lão làng trong chơi cờ ăn tiền, giải cờ thế, hội cờ tướng ghé thăm. Lúc đó nhất định phải nắm bắt khoảng khắc chộp lấy hình ảnh để tạo hiệu ứng lan truyền ở bước sau.

Một số ý tưởng khác có thể nghĩ đến thường thấy trong ngành sẽ là:

  • Thách thức : Nếu bạn dám/có thể làm được, thì quán sẽ…

  • Cuộc thi : Nếu bạn là số 1 trong số những người… thì quán sẽ…

  • Thử sức : Chỉ cần bạn đạt được 1 điểm số…trong trò chơi của quán… bạn sẽ…

Và vài ý tưởng khác nhưng thường thì sẽ xoay quanh những hướng làm này.

  • Nếu ăn hết tô phở khổng lồ bạn được miễn phí và tặng 1.000.000đ

  • Nếu đi lọt khe song sắt bạn được giảm giá hoặc miễn phí.

  • Nếu bạn dám hôn người yêu tại chỗ free luôn 100%

Các anh chị em nhà mình có thể search thêm, kiểu này nhiều bên họ đã làm và hiệu ứng đều rất tốt.

Kết thúc bước này:

Bạn đã có ý tưởng để tạo ra câu chuyện của mình.

Nhớ là câu chuyện này phải xuất phát từ khách hàng của bạn nhé. Còn không thì toang là chắc.

(Kinh nghiệm đau thương đã bị nhiều lần mới ngộ ra được huhu)

Bước 2: Biến câu chuyện thành sự kiện thật

Ở bước này…

Tui định viết tiếp nhưng thấy bài khá là dài rồi, anh chị em theo dõi đọc tiếp có lẽ sẽ ngộ độc chữ mất. Vậy nên tui tạm dừng phần 1 tại đây, dù rằng phần 2 mới là phần quan trọng mang lại tiền và là phần mà rất nhiều người dù biết vẫn chưa làm tốt vì làm sai cách.

Viết bài cũng như làm truyền thông vậy á, mình phải đặt trải nghiệm lên trên hết. Muốn viết nữa nhưng nhiều quá sợ các anh chị em mệt nè, mỏi mắt nè, không tiếp nhận được đủ hết nè…

Nếu như cả nhà thích bài viết này và mong chờ bài viết sau, hãy để lại bình luận nhé. Tui sẽ viết luôn nếu thấy hót quá.

(Hehe, lâu lâu phải làm giá xíu)

Tui đã bỏ sức bỏ tâm huyết chia sẻ, anh chị em cũng đừng tiếc bỏ ra 5 giây để bình luận, tương tác và follow tui nhé . Đó chính là động lực và niềm vui để tui chia sẻ không mệt mỏi đó.

Thông Phan ,

Thích truyền thông, Yêu F&B