Độ dài bài viết và quy trình thuê CTV

Đây là chủ đề mà chắc 2 năm sau vẫn có người hỏi trên các group SEO. Có lẽ câu trả lời: Số chữ bằng số chữ trung bình của 10 thằng trên TOP là giải pháp an toàn nhất. Tôi thì không làm thế này, nghĩ đến việc đếm xem 10 thằng bao nhiêu chữ rồi cộng vào chia ra trung bình đã thấy mất thời gian rồi nên không làm.

Độ dài không phải yếu tố quan trọng

Tất nhiên bài viết ngắn và bài viết nông cạn là phạm trù khác nhau. Ngày trước tôi làm dịch vụ (giờ nghỉ rồi), làm nhiều ngành nghề khác nhau, thực tế cho thấy:

  • Có những bài tôi viết ngắn nhất trong 10 thằng on top mà bài tôi vẫn lên TOP được. Có bài chúng nó viết loằng ngòa loằng ngoằng thì tôi kẻ cái bảng cái là xong, đủ ý. Có bài thì đặt cái video, thêm cái ảnh cũng “tiết kiệm” được mấy trăm chữ.

  • Nhưng lại có bài thì tôi thấy 10 thằng trên top nó viết hời hợt, nông cạn quá làm tôi đọc xong thấy thiếu thông tin, thế là tôi cũng phải thêm thông tin tôi thấy thiếu vào bài. Thành ra bài mình dài nhất

Vì vậy tôi có thể mạnh dạn kết luận dài ngắn không quan trọng. Mấy năm trước tôi gặp một ông anh, anh ý đưa ra quan điểm về độ dài bài viết thế này: Viết dài ngắn thế nào cũng được, miễn là đừng viết THỪA.

Vậy cứ cho là bạn đang viết dài đi, tiếp theo tôi nói về 3 cách giảm những con chữ THỪA trong bài viết lại (nhưng vẫn đủ ý)

3 cách giảm độ dài trong bài viết

Một bài viết được cấu tạo bởi: Các Ý chính trong nội dung, các CÂU văn và các con CHỮ. Giảm được phần thừa nào trong 3 phần này thì sẽ giảm được tổng số chữ trong bài xuống, bài viết sẽ không còn lan man

1 - Loại bỏ Ý THỪA trong nội dung

Thường các bài viết “How to” - mô tả step by step và các bài viết sử dụng concept kể chuyện là hay mắc lỗi này nhất.

Ví dụ 1: Anh X bật lửa lên kiểm tra xăng còn hay hết. Anh X hưởng thọ 35 tuổi.

Đây là một câu chuyện cười, nhưng vì các bạn nghe nhiều rồi nên các bạn không buồn cười thôi. Nếu viết lại câu chuyện này theo trình tự sự kiện thì nó phải thế này:

(1)Anh X bật lửa → (2)Anh X kiểm tra xăng → (3)Nổ → (4)Anh X chết

Trong cậu chuyện tôi không hề nhắc đến vụ nổ nào cả nhưng ai cũng sẽ hiểu rằng có vụ nổ xảy ra làm cho anh X chết. Tôi chỉ kể các sự kiến (1) - (2) - (4) nhưng các bạn vẫn hiểu toàn bộ câu chuyện dù có bị khuyết mất sự kiện thứ (3)

Đây là giải pháp mà tôi đã đọc được và áp dụng sau khi đọc xong quyển Hiệu Ứng Chim Mồi, chả nhớ tập mấy. Đại ý nó là rút ngắn sự kiện ở giữa, có thể rút nhiều hơn 1 sự kiện nhưng phải để cho người ta đọc đầu đọc cuối phải hiểu chuyện đang nói gì.

.

Ví dụ 2: Hướng dẫn cách làm sữa chua tại nhà

Bước 1: Làm sao để có nhà

Bước 2: Cách làm sữa chua

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu

2.2 Thực hiện

2.3 Bảo quản

Rõ ràng đây là một bài viết rất thừa nội dung. Ý đầu tiên: Làm sao để có nhà có thể tách ra một bài viết riêng. Tương tự như ví dụ 1, khi viết một bài dạng step by step thì hoàn toàn có thể cắt đi một bước THỪA nào đó. Cho dù nó là bước đầu tiên.

2 - Giảm câu THỪA

Đây là việc tôi thường xuyên làm vì thuê Writer viết loằng ngòa loằng ngoằng. Khi duyệt bài của Writer tôi chẳng phải duyệt ý mà chỉ duyệt CÂU và CHỮ. Có dàn ý rồi thì không sợ viết thừa Ý. Nhưng viết thừa CÂU thì nhiều vcl

Chẳng hạn như này:

  • Writer 1 viết: Hàu là một món nhậu hải sản khoái khẩu của nhiều anh em và điều thú vị là trong hàu có rất nhiều dưỡng chất làm tăng khả năng ham muốn cho đàn ông. Thử tưởng tượng vừa được nhậu vừa được ăn món ăn tăng cường sinh lý thì tăng 2 của bạn sẽ thăng hoa như thế nào.

  • Writer 2 viết: Trong hàu có nhiều kẽm, mà kẽm là nguyên tố giúp tăng cường testosterone. Vì vậy đàn ông ăn hàu sẽ tăng khả năng ham muốn.

Ví dụ này nó hơi YMYL nhưng anh em nào đang làm ngành sức khỏe sẽ hiểu rõ. Văn vở dài lê thê, giọng văn như thiên địa thì không giống chuyên gia chút nào cả

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng áp dụng biện pháp giảm câu máy móc được. Vì đối với các nội dung kiểu lifestyle, reviews không phải càng dài càng tốt nhưng giảm được thì giảm, không giảm được câu nào thì thôi chứ không nên duyệt khắt khe làm gì.

Người dùng bây giờ bận lắm, đọc thấy lan man có khi người ta bỏ đi. Viết bài 1000 chữ có khi người ta ở lại đọc 10 phút vẫn thích hơn là bài 3000 chữ mà người ta đọc mỗi mở bài

3 - Giảm chữ THỪA

Một câu văn bao gồm chủ ngữ, vị ngữ và các trạng từ bổ nghĩa. Vì vậy, khi rút gọn chữ thì cái chữ bạn bỏ đi kiểu gì nó cũng hoặc là chủ ngữ, hoặc là vị ngữ hoặc là trạng từ.

Khi bỏ đi chủ ngữ hoặc vị ngữ thì câu văn không trở nên vô nghĩa mà nó sẽ giống văn nói. Và đây chính là mẹo để có văn phong giống văn nói. Các bạn cứ để ý mấy bài kiểu “phát ra âm thanh” thì trong bài viết sẽ có rất nhiều câu thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ. Trong văn nói, khi nói một câu thiếu chủ ngữ chính là nói trống không đấy.

Còn đối với các trạng từ bổ nghĩa thì từ nào thừa bỏ đi. Bỏ đi mà vẫn giữ nguyên Ý trong câu, ngữ nghĩa của câu văn không thay đổi thì tức là bỏ được. Dùng 1, cùng lắm đến 2 tính từ bổ nghĩa cho một danh từ trong một câu văn thôi. Loại bỏ tư duy THỪA còn hơn THIẾU trong trường hợp này.

Quy trình thuê CTV viết bài

Nếu mà không có chuyện SEOer thuê CTV yêu cầu mỗi bài bao nhiêu chữ, hay CTV báo giá bài viết theo số lượng chữ thì tôi cũng chẳng có bài viết này.

Cách đây hơn 1 tuần tôi có đưa cái khảo sát trên nhóm: Bài viết “Tư vấn mua bảo hiểm ô tô” thì nên đưa cho ai duyệt? Đưa Writer duyệt hay đưa người bán bảo hiểm ô tô duyệt? Số đông mọi người vote phương án “Đưa người bán bảo hiểm duyệt”. Thực tế nó là phương án tối ưu nhất vì ngành bảo hiểm là ngành có tính chuyên môn hóa cao. Kể cả là bạn mua xe cho bạn thì việc nghe tư vấn từ nhân viên chắc chắn còn hay hơn đọc bài trên Google.

Nhưng không phải ngành gì có tính chuyên môn hóa cao cũng có chuyên gia phê duyệt giúp. Phó mặc cho CTV viết không phải ý hay. Vì vậy, nếu theo hệ quy chiếu Ý - Câu - Chữ mà tôi nói ở trên vào bài viết thì quy trình tôi thuê CTV thế này:

1 - Lên dàn ý

Bước này giải quyết được bài viết đủ ý. CTV không phải bổ sung một Ý nào thêm trong bài viết cả, bạn lên dàn ý thì đừng có lên thiếu

Một bài viết gồm 3 nội dung: Mở bài, thân bài, kết bài.

  • Mở bài: Tổng quát nội dung trong bài viết. Giật title bổ sung cho tiêu đề và đại ý của mở bài nó chỉ có vậy thôi. Nó là TỔNG QUAN. CTV phải viết được đoạn mô tả tổng quan bài viết trong phần này. Độ dài lý tưởng nên là 1 đoạn. Tối đa không quá 3 đoạn

  • Thân bài: Trong thân bài gồm có Heading 2 và các Heading nhỏ hơn. Nhỏ hơn Heading là các đoạn văn. Nếu coi các Heading 2 là đại Ý thì các Heading nhỏ hơn hoặc đoạn văn là tiểu Ý. Heading 2, Heading 3-4-5 (nếu dùng) là gì thì cũng liệt kê ra dưới dạng Ý. Đừng để CTV phải bổ sung Ý gì cả mà bạn cần những Ý gì trong nội dung thì liệt kê hết ra. Cho dù nó dài.

  • Kết bài: Tóm tắt và CTA

Trong 3 phần cấu tạo: Ý - Câu - Chữ thì giá trị của Ý nó ở research. Nếu bạn lên dàn ý không kỹ hoặc không lên dàn ý thì điều đó có nghĩa bạn đang phó mặc công việc nghiên cứu cho CTV. Thử tượng tượng bạn tìm hiểu để mua bảo hiểm cho xe ô tô của bạn thì bạn cần bao nhiêu thời gian nghiên cứu? Một bài như “Tư vấn mua bảo hiểm xe ô tô” đưa CTV mà một ngày đã hoàn thành thì lấy đâu ra nội dung tốt.

Ở bước này sẽ mất thời gian, tùy thuộc vào bạn hiểu chuyên ngành đến đâu. Hiểu sâu thì lên dàn ý nhanh, hiểu nông thì lên dàn ý chậm. Việc lên dàn ý sẽ gia tăng khả năng kiểm soát chất xám trong nội dung. Bạn lên dàn ý kỹ thì bài viết của CTV dù chưa đến bước duyệt vẫn sẽ cho cảm giác “đủ”. Lúc duyệt bài chỉ cần duyệt CÂU và CHỮ chứ không phải duyệt đủ Ý hay không nữa.

Tóm lại, tôi đánh giá giá trị chất xám của bài viết nằm trong bộ khung của dàn ý còn đắt hơn cả văn phong. Có bài tôi lên dàn ý 500 chữ rồi CTV viết xong có 1000 chữ thôi à. Concept bài viết, văn phong viết bài, viết dở thì còn viết lại được. Viết ĐÚNG trước rồi viết HAY sau.

2 - Duyệt bài viết

Nếu đã làm kỹ phần dàn ý thì đến phần duyệt bạn sẽ không phải duyệt lại Ý nữa mà chỉ duyệt Câu và Chữ thôi. CTV nào mà có dàn ý rồi vẫn còn viết thiếu Ý thì thôi cho Next.

Ở đây CÂU và CHỮ tạo ra văn phong. Có một cái mà nhiều CTV làm rất yếu đó là xác định đối tượng đọc bài viết, hay khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Họ giỏi viết cái gì (What) hơn là giỏi về việc viết cho ai (Who).

Chính về thế, trong dàn ý thì bạn vẽ luôn chân dung khách hàng cho CTV để họ có văn phong phù hợp. Trừ trường hợp những nội dung về lifestyle, còn những nội dung nặng tính chuyên môn, tệp khách hàng mục tiêu nhỏ, có tính đặc thù thì phải có bản mô tả.

Đọc bài viết “Tư vấn bảo hiểm ô tô” mà tự nhiên có cảm giác thằng viết bài này không chưa có ô tô thì fail rồi.

Làm tốt dàn ý và bản mô tả khách hàng thì việc duyệt bài cũng đỡ mất thời gian hơn rất nhiều rồi. Duyệt CÂU và CHỮ nó nhanh hơn việc bạn ngồi research lên dàn ý đó. Thậm chí khi nhận bài từ CTV, chỗ nào lũng củng tôi viết lại luôn, chỗ nào chưa được tôi tự sửa lại. Nếu mà sửa ít dưới 5 phút thì tôi tự làm, sửa nhiều quá thì yêu cầu viết lại.

Tóm lại,

Bài viết về chủ đề viết dài mà tôi viết dài vl rồi. Vài kết luận cho ai lưới kéo xuống dưới cùng đọc:

1 - Nếu bạn không lên dàn ý thì tức là phó mặc việc research về chuyên môn cho CTV

2 - Dàn ý là chất xám trong nội dung. Bạn lên dàn ý kỹ, CTV sẽ viết ĐÚNG và ĐỦ

3 - Nếu việc lên dàn ý tốt, việc duyệt bài chỉ còn là duyệt CÂU và CHỮ để đảm bảo tính HAY cho bài viết. Cái này tùy thuộc vào kỹ năng Copywriting của người duyệt. Mà CTV có kỹ năng viết tốt thì khỏi duyệt luôn. Tăng lương luôn nè.

(Cre: Ninh Thành Nam - #NghienSeo)