Cách Viết Blog Hấp Dẫn & Hiệu Quả cho Người Mới Bắt Đầu

Khi quyết định tạo một blog và viết cho độc giả, hẳn mỗi chúng ta đều có những kỳ vọng cũng như sứ mệnh riêng.

Bên cạnh những người bắt đầu với tâm thế chia sẻ trọn vẹn thì một số khác lại mang sẵn ý định viết blog để kiếm tiền.

Tất cả đều chính đáng nhưng nói chung, dù mục đích của bạn là gì thì bạn cũng sẽ cần thực hiện hai việc quan trọng khi viết blog.

  • Việc thứ nhất: Tạo nội dung phù hợp và hấp dẫn đối với độc giả.

Nội dung giá trị và đồng điệu với cảm xúc của khán giả chính là yếu tố giúp công việc viết blog trở nên có ý nghĩa. Giữ tần suất theo thời gian, blog của bạn sẽ dần tạo ra những chuyển đổi to lớn như danh tiếng, thu nhập và hơn thế nữa.

Mặt khác, viết blog cũng là một trong những hình thức chính khi làm content marketing; và đó là cách đơn giản nhất để bạn xây dựng thương hiệu của bạn.

Hãy nhìn xem Luân Trần (từ Canhme.com — tên miền / hosting / VPS), Thế Khương (từ Kiemtiencenter.com — kiếm tiền online / thu nhập thụ động) hay Brian Dean (từ Backlinko.com — SEO), họ đều đang thành công trong lĩnh vực của họ.

Nếu bài đăng không được xếp hạng cao trên Google thì độc giả sẽ không thể tìm thấy chúng và lẽ hiển nhiên, nội dung của bạn bị bỏ rơi.

Bởi vậy, tôi đã viết một hướng dẫn cơ bản về cách viết blog hay và hiệu quả dành cho người mới bắt đầu.

Nó dễ dàng để bạn áp dụng vào thực tiễn, nhưng trước tiên hãy xem nhanh phần mục lục nội dung và tiếp tục theo dõi!

1. Cách tạo nội dung bài viết blog phù hợp

1.1 Lựa chọn chủ đề cho bài viết blog

Để viết blog hay thì điều đầu tiên chúng ta phải làm đó là lựa chọn một chủ đề (topic) phù hợp với đối tượng khán giả mà mình nhắm đến.

Không ai khác, người đọc chính là nhân tố quyết định bài viết blog của bạn sẽ bị chìm xuống biển sâu hay trở nên thành công và được lan truyền.

Trước khi nghĩ ra một chủ đề cho bài đăng trên blog của mình, hãy hiểu rõ về đối tượng mục tiêu của bạn. Họ muốn biết về cái gì? Điều gì sẽ ảnh hưởng và làm họ phấn kích?

Nhưng đừng lo lắng, nó đơn giản hơn bạn nghĩ.

Nếu bạn đủ quan tâm và dành nhiều thời gian trong một ngành, bạn sẽ luôn có thứ để chia sẻ với người đi phía sau (dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của bạn).

Ngoài ra, hai cách sau sẽ giúp bạn tìm thấy các ý tưởng tuyệt vời bằng cách khai thác cái nhìn sâu sắc (insight) từ đối tượng của bạn:

Ví dụ: Tạo cuộc thăm dò ý kiến ​​ngay trong bài đăng của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội (như Facebook, LinkedIn).

  • Nghiên cứu blog của bạn.

Nếu bạn đã có người đọc, hãy xem lại bình luận của họ trên bài đăng của bạn. Bạn có thể khám phá những chủ đề nối tiếp mà họ quan tâm hoặc vấn đề mà họ muốn giải quyết.

Xem lại bình luận trên bài viết blog để khám phá những chủ đề nối tiếp mà họ quan tâm

1.2 Xây dựng khung nội dung cho bài viết blog của bạn

Nội dung phù hợp là nội dung mà thông qua đó, độc giả có thể nắm bắt thông tin một cách trọn vẹn và đáp ứng kỳ vọng về ngữ cảnh tìm kiếm.

Điều này hoàn toàn có lợi cho SEO khi Google đã công bố thuật toán BERT, giúp họ hiểu các chủ đề, khái niệm đằng sau câu, đoạn văn và truy vấn tìm kiếm.

Vì vậy, xây dựng khung nội dung (hay còn gọi là mục lục, dàn ý hoặc outline) là một bước quan trọng để bạn luôn bám sát vào chủ đề bài viết, tránh bẫy lan man và xa rời nhu cầu của người đọc.

Mục lục nội dung của bài đăng hướng dẫn cơ bản về SEO dành cho người mới bắt đầu

1.3 Triển khai nội dung bài viết với tâm hồn hướng về khán giả

Sau khi bạn đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời và phác thảo được một dàn ý, bước tiếp theo của bạn là đưa ra toàn bộ thông điệp vào bài đăng trên blog.

Tất cả những người viết blog đều mong muốn có thể tạo ra một cái gì đó đáng đọc. Bởi vậy, nội dung của bạn cần phải được thể hiện theo một cách thú vị và đóng gói làm sao để khán giả dễ tiêu thụ (tiếp thu).

Người đọc sẽ cảm thấy thật nhàm chán và khó chịu nếu nội dung của bạn làm lãng phí thời gian của họ.

Lý tưởng nhất là trước khi bạn bắt đầu viết, bạn nên đặt hai câu hỏi sau vào tâm trí:

  • Mục tiêu của bạn cho phần nội dung này là gì?
  • Khán giả của bạn sẽ nhận được điều gì?

Sau đó, bạn không cần quan tâm đến sự chau chuốt và hoàn hảo, chỉ cần viết xuống những gì bạn cho rằng nó đang hướng về khán giả.

Khi bạn nghỉ ngơi và dừng viết, bạn bình tĩnh đọc lại văn bản của bạn rồi xem xét nó có đáp ứng hai câu hỏi phía trên hay không?

Cuối cùng, bạn dành thời gian chọn lọc những thứ tốt nhất và bổ sung các điểm thiếu sót để kết thúc quá trình soạn thảo của bạn.

1.4 Luôn sẵn sàng cho việc cập nhật nội dung bài viết

Khi viết blog (nhất là viết blog để kiếm tiền) bạn sẽ thấy rằng, chúng ta không phải lúc nào cũng đúng, nhận thức và suy nghĩ của chúng ta sẽ dần thay đổi theo thời gian.

Hoặc đơn giản hơn, tương lai sẽ có những điều mới mẻ xuất hiện khiến bạn không tự hào lắm về rất nhiều nội dung cũ!

Vì vậy, việc cập nhật nội dung các bài viết cũ trên blog là điều không thể tránh khỏi nếu bạn muốn xây dựng blog trong một thời gian dài.

Mặt khác, Google luôn yêu thích những trang web được duy trì tốt, bao gồm các nội dung mới, được cập nhật và sâu sắc để đáp ứng thuật toán Google Freshness cũng như E-A-T.

Nội dung mới sẽ dần bị phân rã (decay) theo thời gian. Nguồn: Moz.com

Search engines can score regularly updated content for freshness differently from content that doesn’t change. — Moz.com.

Tạm dịch: Các công cụ tìm kiếm có thể chấm điểm nội dung được cập nhật thường xuyên cho sự mới mẻ khác với nội dung không thay đổi.

Nếu trang web của bạn chứa đầy các bài đăng lỗi thời, không liên quan hoặc chất lượng kém, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến quá trình SEO của bạn.

Trong sự cạnh tranh của thị trường, chỉ tạo nội dung phù hợp thôi là chưa đủ. Bạn cần phải biết cách làm cho nó hấp dẫn và trở nên lôi cuốn đối với độc giả.

Và tám lời khuyên tuyệt vời mà tôi sắp chia sẻ ở phần tiếp theo sẽ chính xác là những gì bạn cần vì nó thật dễ dàng để bạn có thể áp dụng. Tiếp tục theo dõi!

2. Tám lời khuyên để bài viết blog của bạn trở nên hấp dẫn hơn

Mặc dù bạn có thể dành nhiều giờ đồng hồ để tạo một nội dung mới trên blog nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự quan tâm của khán giả khi chia sẻ nó lên mạng xã hội.

Và bạn tự hỏi tại sao mọi người không theo dõi, không yêu thích hay tương tác với nội dung mới của mình?

Trong phần này, tôi sẽ chia sẻ tám lời khuyên để bài viết blog của bạn trở nên hấp dẫn hơn!

2.1 Sử dụng đại từ nhân xưng mang tính kết nối

Bài viết của bạn có thể rất hay về mặt chuyên môn, ngành nghề nhưng nếu bạn không sử dụng đại từ nhân xưng mang tính kết nối như “tôi — bạn”, “mình — bạn”, “[tên / biệt danh / bút danh của bạn] — bạn” thì độc giả sẽ không biết được rằng bạn có muốn nói chuyện với họ hay không?

Từ đó, tính tương tác sẽ bị giảm dần đi hoặc không tồn tại tính tương tác trong bài đăng của bạn.

Dựa trên phong cách hoặc nội dung bạn chia sẻ mà đại từ nhân xưng có thể tùy chỉnh cho phù hợp ngữ cảnh.

Ví dụ:

  • Với những blog thuần chia sẻ kiến thức về chuyên ngành (như blog của tôi) thì bạn nên sử dụng đại từ nhân xưng là “tôi — bạn” để nó mang hơi hướng nghiêm túc.
  • Với những blog chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân thì bạn nên sử dụng đại từ nhân xưng là “mình — bạn” hoặc “tớ — bạn” để nó mang hơi hướng phóng khoáng, gần gũi.

Dù bạn lựa chọn đại từ nhân xưng là gì thì bạn cũng nên sử dụng chúng xuyên suốt từ đầu đến cuối bài viết để nhìn nó trông giống như một cuộc trò chuyện.

Ngoài ra, bạn nên dùng ngôi thứ hai số ít (như bạn, cậu,…) khi đề cập tới đại từ nhân xưng ngôi thứ hai để độc giả có cảm giác rằng, bạn đang nói chuyện với chính họ chứ không phải với số đông (như các bạn, các cậu,…).

Xem lại mục lục

2.2 Sử dụng các từ và cụm từ chuyển tiếp

Lời khuyên thứ hai đó là bạn nên sử dụng các từ và cụm từ chuyển tiếp ở mỗi đầu câu, đầu đoạn hoặc khi muốn chuyển ý.

Ba mục đích chính khi sử dụng từ và cụm từ chuyển tiếp để nối câu:

  • Giúp cho văn bản của bạn trở nên mạch lạc, chặt chẽ và dễ đọc hơn nhiều.
  • Khiến người đọc có thể bám sát nội dung bài viết từ đầu đến cuối.
  • Tạo ra các mối liên quan, giữa câu này với câu kia, giữa đoạn này và đoạn khác.

Dưới đây là danh sách một số từ và cụm từ chỉ quan hệ phân theo nhóm mà bạn có thể sử dụng để nối câu:

Mục đích Từ và cụm từ
Để thêm thông tin Và, Ngoài ra, Thêm vào đó, Hơn nữa, Tiếp theo, Điều đó có nghĩa là
Chỉ hệ quả Vì vậy, Do đó, Vì lý do này nên, Theo như, Vì thế, Do vậy
Chỉ sự đối lập Nhưng, Tuy nhiên, Mặt khác, Ngược lại, Trái lại, Tuy vậy, Thay vì
Chỉ kết luận Sau tất cả, Cuối cùng, Nói chung, Tóm lại, Trong mọi trường hợp thì

2.3 Cách sử dụng hình ảnh và video trong bài viết

Nhìn chung tôi thấy, hầu hết mọi người đều sử dụng hình ảnh và video xen kẽ các ý chính để độc giả không bị nhàm chán giữa “sa mạc chữ”.

Và hai lời khuyên sau của tôi có thể sẽ hữu ích với bạn:

  • Thứ nhất, bạn nên sử dụng hình ảnh và video có chất lượng cao để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Chúng ta cũng đều biết rằng, tốc độ load của website là ưu tiên hàng đầu nhưng hình ảnh chất lượng cao lại góp phần làm trang web của bạn tải chậm đi.

Vì vậy, thông qua công cụ trực tuyến TinyPNG, bạn có thể tối ưu dung lượng ảnh xuống mức trung bình nhưng vẫn đảm bảo mắt thường nhìn thấy sắc nét và gần như không bị ảnh hưởng nhiều về mặt thị giác.

Thứ hai, bạn nên sử dụng hình ảnh và video có sự liên quan hoặc mô tả cho phần nội dung mà bạn đang đề cập. Điều đó, giúp cho độc giả dễ dàng hiểu nội dung của bạn hơn.

2.4 Độ dài của mỗi đoạn và mỗi câu khi viết blog

Thông thường, một văn bản bao gồm nhiều câu dài sẽ rất khó đọc, vì các câu dài khiến não bộ khó xử lý hơn.

Theo Yoast SEO, độ dài của mỗi câu không nên vượt quá 20 từ ngữ. Nếu hơn 25% số câu của bạn dài hơn 20 từ, bạn nên rút ngắn một số câu dài.

Bạn cũng biết, cách mọi người đọc thông tin trên màn hình máy tính khác với cách họ đọc sách giấy. Khi đọc liên tiếp các đoạn văn dài trên thiết bị điện tử, mắt của chúng ta nhanh bị mỏi và có xu hướng lười đọc thêm phần phía dưới.

Bởi vậy với mỗi đoạn văn, bạn không nên để vượt quá bốn hoặc năm dòng. Nó giúp cho việc đọc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và tránh khiến người đọc bị choáng ngợp.

2.5 Bổ sung các thông tin kiểm chứng vào bên trong bài viết

Thông tin kiểm chứng giúp bài viết của bạn có “sức nặng” hơn vì mọi người sẽ dễ dàng đặt niềm tin ở nơi họ thấy được sự chắc chắn.

Đó có thể là liên kết đến các trang web uy tín (thường có DA cao) hoặc bản PDF báo cáo kết quả nghiên cứu của một số công ty, tổ chức lớn.

Ví dụ: Mỗi khi viết blog về SEO mà cần đưa ra dẫn chứng cho độc giả, tôi thường dùng liên kết ra bên ngoài (external link) đến nội dung của Backlinko.

Mặt khác, Google cũng đánh giá cao điều này và đó có thể là một trong những tín hiệu xếp hạng dành cho bài đăng của bạn.

Including outbound links to relevant, high authority sources can boost your reputation and help you appear as a more authoritative source. — Nguồn: WebFX.

Tạm dịch: Bao gồm các liên kết ra bên ngoài đến các nguồn có thẩm quyền cao và liên quan có thể nâng cao danh tiếng của bạn và giúp bạn xuất hiện như một nguồn có thẩm quyền hơn.

2.6 Tạo ra sự đồng điệu giữa bạn và độc giả

Khi viết blog, đôi lúc chia sẻ những quan điểm trái chiều, chúng ta có thể chạm vào nỗi niềm của độc giả.

Vì vậy, xuyên suốt chiều dài bài viết, thi thoảng bạn nên sử dụng một số từ (cụm từ) tạo ra sự đồng điệu giữa bạn và độc giả. Để họ có cảm giác rằng, bạn và họ vẫn đang cùng một phe.

Ví dụ: chúng ta, tôi cũng giống bạn, tôi và bạn đều,…

2.7 Đặt câu hỏi mở ở cuối bài viết

Phía cuối bài viết blog, tôi thấy mọi người thường ghi cám ơn độc giả hoặc lời chúc. Trong hầu hết trường hợp, nó vô nghĩa.

Vào cuối mỗi bài viết trên blog, tôi luôn luôn đặt một câu hỏi. Điều này là cần thiết, bởi nó có thể giúp người đọc dễ dàng bắt nhịp và tạo ra một tương tác thảo luận. Nếu bạn không hỏi một câu hỏi, độc giả sẽ không biết phải làm gì tiếp theo.

Ngoài ra, nếu không nhằm mục đích tăng số lượt xem trang, bạn không nên hiển thị các gợi ý hướng đến nội dung khác ở cuối bài viết. Đơn giản vì khi có quá nhiều thứ trước mắt người đọc, nó sẽ cản trở việc họ muốn tương tác thảo luận với bạn.

Tóm lại, ngay dưới câu hỏi mở, đặt một công cụ chia sẻ bài viết và phần bình luận là cách tuyệt vời để kết thúc bài viết blog của bạn.

Đặt câu hỏi mở phía cuối bài viết blog

2.8 Định dạng nội dung bài viết blog

Nhiều người viết blog rất hay nhưng lại không để ý đến cách trình bày nội dung. Vì vậy, trong một số trường hợp, bài viết của họ trở nên không đủ hấp dẫn với người đọc.

Bạn nên sử dụng các phông chữ cơ bản từ Google Fonts để nội dung được hiển thị tốt trên các trình duyệt và thiết bị khác nhau.

Tuy nhiên để font chữ không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tải trang, bạn nên thêm chúng vào website bằng một trong hai cách sau:

Cách 1: Sử dụng mã HTML Standard gắn vào phần của website.

Cách 2: Sử dụng Trình tải phông chữ Web (Web Font Loader) với mã JavaScript gắn vào thẻ HTML trong Google Tag Manager.

Tiếp theo, để người đọc không cảm thấy bị rối mắt hay khó nhìn, bạn có thể tùy chỉnh kích cỡ chữ (font-size), độ béo chữ (font-weight), chiều cao giữa các dòng (line-height) và khoảng cách giữa các ký tự (letter-spacing) cho hợp lý hơn.

Ví dụ trên blog của tôi:

.post-content { font-family: Roboto; font-size: 18px; line-height: 32px; font-weight: 300; letter-spacing: 0.8px; }

Nếu khả năng về kỹ thuật của bạn còn hạn chế, bạn chỉ cần chọn một giao diện tuyệt vời.

Bạn cũng nên sử dụng linh hoạt các khoảng trắng (white space). Bởi vì nó thực sự giúp bộ não của người đọc xử lý thông tin tốt hơn, chủ yếu bằng cách loại bỏ phiền nhiễu để tăng sự tập trung.

Ví dụ về khoảng trắng (white space). Nguồn: userzoom

3. Các yếu tố SEO bạn cần quan tâm khi viết blog

Viết blog hướng đến độc giả sẽ khác với khi bạn viết nhật ký trên cuốn sổ tay rồi vứt đâu đó trong tủ sách.

Nếu không ai tìm thấy bài đăng của bạn thì thời gian bạn dành để suy nghĩ và tạo nội dung trên blog là vô nghĩa.

Vì vậy, bạn cần nắm rõ một vài yếu tố chính ảnh hưởng tới xếp hạng khi tạo bài đăng trên blog để viết nội dung cho SEO (nhiều người gọi đó là “viết blog chuẩn SEO”).

Mặc dù thuật toán của Google là phức tạp và ngoài kia có hàng trăm yếu tố lớn nhỏ ảnh hưởng tới thứ hạng tìm kiếm nhưng có nhiều cách để bạn cải thiện thứ hạng bài đăng của mình (từ bên trong).

Danh sách các yếu tố SEO mà bạn cần phải quan tâm để cải thiện sự hiện diện bài viết blog trên Google:

The purpose of a meta description for your page is simple: to get someone searching on Google to click your link. In other words, meta descriptions are there to generate click-throughs from search engines. — Yoast SEO.

Tạm dịch: Mục đích của một mô tả meta cho trang của bạn rất đơn giản: để khiến ai đó tìm kiếm trên Google nhấp vào liên kết của bạn. Nói cách khác, các mô tả meta ở đó để tạo ra các lần nhấp từ các công cụ tìm kiếm.

Các công cụ tìm kiếm nói rằng không có lợi ích xếp hạng trực tiếp từ thẻ mô tả, họ không sử dụng nó trong thuật toán xếp hạng của họ. Nhưng có một lợi ích gián tiếp, Google sử dụng tỷ lệ nhấp (CTR) như một yếu tố xếp hạng kết quả tìm kiếm.

  • Thẻ tiêu đề phụ (các thẻ heading H2 – H6): Google sử dụng thẻ H để hiểu cấu trúc văn bản trên một trang. Vì vậy, rõ ràng nó cung cấp một số giá trị SEO.

Nguồn: QuickSprout

Mỗi thẻ có thể được xếp hạng từ cao nhất đến thấp nhất theo thứ tự quan trọng, được minh họa rõ ràng bằng kích thước.

Thực tiễn tốt nhất: Chỉ sử dụng một thẻ H1 trong một bài đăng (và nó nên được lưu cho tiêu đề). Sử dụng từ khóa chính hoặc từ đồng nghĩa một cách tự nhiên trong các tiêu đề.

  • Mật độ từ khóa: Là tỷ lệ phần trăm số lần từ khóa hoặc cụm từ xuất hiện trên một trang web so với tổng số từ trên trang.

Trong ngữ cảnh tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, mật độ từ khóa có thể được sử dụng để xác định xem một trang web có liên quan đến một từ khóa hoặc cụm từ khóa được chỉ định hay không.

Theo Yoast SEO, mật độ từ khóa nên ở mức 0,5% – 3% (nhưng không được vượt quá tối đa 5%).

  • Thẻ Alt hình ảnh: Bằng cách thêm một văn bản thay thế (thẻ Alt hình ảnh), bạn cung cấp cho người dùng trình đọc màn hình và công cụ tìm kiếm một mô tả văn bản về những gì trên hình ảnh đó. Điều này cải thiện khả năng tiếp cận và cơ hội xếp hạng của bạn trong tìm kiếm hình ảnh.

Thực tiễn tốt nhất: Giữ văn bản thay thế của bạn ít hơn 125 ký tự, mô tả hình ảnh, bao gồm từ khóa chính hoặc từ đồng nghĩa nhưng đừng nhồi nhét.

Kết luận

Không quá ngắn cũng không quá dài, phía trên là tài nguyên thực tiễn mà tôi đã đặt nhiều thời gian xuống để dành cho bạn.

Chỉ cần chậm dãi, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy cách viết blog phù hợp với khán giả của bạn và biết phải làm thế nào để bài đăng của bạn được xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google.

Khi bạn đã hiểu mọi thứ và thực hành theo, đó là cơ sở để bạn có thể tin rằng, bài viết blog của bạn đang hoạt động hiệu quả.

Bạn có lời khuyên nào khác khi viết bài đăng trên blog của bạn? Hãy cho tôi biết bằng cách để lại một bình luận dưới đây.

Theo Phạm Đình Quân