60 điều tâm đắc sau 3 năm làm content trái ngành

3 năm qua, mình học, làm và trải nghiệm được rất nhiều điều. Ngành marketing và content cho mình nhiều hơn là một công việc.

  1. Muốn Đến Đích, Trước Hết Nên Thò Chân Ra. Khi mới đặt chân bước vào ngành này, mình không có xuất phát điểm gì hết: 100% Omo trắng sạch tinh tươm. Vô tình đọc được tuyển học việc Content của công ty mỹ phẩm nọ. Dù không hề biết gì cả, nhưng mình vẫn nộp đơn “bất chấp”. Vậy là mình làm “ngành” cũng hơn 3 năm rồi đó.

  2. Muốn Sẽ Có Cách. Chỉ cần đủ khao khát, luôn có cách để đạt được. Chỉ cần bạn chịu tìm, ắt có phương hướng cho mọi con đường. Và đừng bao giờ nghĩ rằng tất cả đã kết thúc, chỉ là bạn chưa đủ muốn.

  3. Nỗi Sợ Có Ích, trong một số trường hợp. Vì sợ, bạn không thể trễ deadline. Vì sợ, bạn sẽ kỹ lưỡng hơn. Và vì sợ, bạn làm việc bài bản hơn để không xảy ra viễn cảnh đáng buồn.

  4. Nhưng Sợ Vừa Thôi, Sợ Quá Mất Vui. Có những người, họ yêu thích một điều gì đó. Nhưng vì quá sợ hãi viễn cảnh có thể diễn ra mình tưởng tượng trong đầu, mà chẳng bao giờ dám vượt ra khỏi vùng an toàn.
    Như cô bé yêu thích content đã comment ở bài trước của mình. Em nói người khác không chấp nhận khi em trái ngành, không biết gì cả, không ai nhận intern. Không em à, đó chỉ là nỗi sợ của em thôi. Em hãy mở lòng ra, và apply thử 1-2 nơi nào đó, không yêu cầu kinh nghiệm và kiến thức. Có thể sẽ khổ một chút, cực một chút. Nhưng đáng.

  5. Trái Ngành, Cần Nhất Lì Lợm. Khi không biết gì và lạc lõng trong tập thể có vẻ “biết tuốt”. Khi chẳng hiểu sếp hay đồng nghiệp nói gì. Khi sếp mắng hoặc đồng nghiệp than phiền là đang làm chậm tiến độ công việc. Khi đêm dài kéo ngang, rạng sáng đã đến, mà bài giao vẫn chưa làm xong, deadline vẫn chưa hoàn thành. Khi muốn khóc vì quá vất vả, nhưng cuối cùng lại hóa ra nụ cười rằng chưa đủ cố gắng. Nếu bạn đang trái ngành, mình khuyên bạn hãy lì.

  6. Giảm Nuối Tiếc, Tập Chấp Nhận. Chuyện ở quá khứ xa xôi, bạn căn bản chẳng thể giải quyết và thay đổi được. Những con chữ bạn từng viết ra ngây ngô thế nào ở 1 tháng, 2 tháng hay 1 năm trước chính là từng bước cho bạn trưởng thành. Lưu lại và đọc mỗi lúc muốn bật cười. Đừng ôm lấy một niềm uể oải sao lúc ấy ta không… Giống như Wabi-sabi, một loại Triết học của sự không hoàn hảo.

  7. Đổi Thay Là Điều Tất Yếu. Mọi chuyện trên đời đều có tính tương đối, và bất kể điều gì cũng thay đổi được, như chiếc “brief” thân thương của khách hàng. Ngay cả tính cách của mình còn đổi được thì mấy cái khác đã là gì…

  8. Thái Độ Quan Trọng Hơn Trình Độ. Trình độ của bạn đến đâu, cũng không bằng một thái độ cầu thị và ham học hỏi. Này thì ai cũng nói rồi ha.

  9. Đẹp Zai Không Bằng Chai Mặt. Mặt dày vào. Sai thì sửa, đừng sợ chê cười. Biết bao lần mình nghe chửi, nghe người khác bảo content mình viết ra sến súa, chẳng hay ho, dài dòng văn tự, v.v… Nhưng nhờ vậy, mình tiến bộ. Không ai rảnh để bắt mấy cái lỗi nho nhỏ của bạn, trừ phi nó to đùng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng… Vậy nên, sai đi, khi đời còn cho phép, lỗi intern có thể sai thì junior/executive không được mắc nữa đâu…

  10. Đừng Mang “Con” Bỏ Chợ. Ý tưởng hay bài viết đều là con của content. Nếu bạn không yêu nó, chẳng ai yêu nó đâu. Nên chỉn chu với những thứ mình viết. Mình từng là một người khá bất cẩn, nhưng khi mình vào cương vị là người thể hiện thương hiệu, mình chẳng muốn bất kỳ sai lầm hay lỗi nhỏ nào đến với content của mình cả. Từng từ từng chữ bạn viết hãy làm cho nó có ý nghĩa, đến lúc người ta bảo bạn chỉnh còn biết hướng bảo vệ. Vì nó là con của bạn, chứ chẳng phải ai khác.

  11. Lúc Cần Bảo Vệ Thì Bảo Vệ, Lúc Cần Bỏ Qua Thì Bỏ Qua. Đây có lẽ là điều mà bất kỳ dân sáng tạo nào cũng trăn trở mỗi ngày. Con yêu của bạn, đưa ra ánh sáng “client” sau tám-mươi-kiếp-nạn ở team nhà, được nhào nặn ở kiếp nạn cuối và trả về các feedback khác nhau, con gà từ từ thành con vịt. Lòng đau đấy, nhưng miệng nhoẻn cười sửa vội. Nếu bạn và team chẳng thể bảo vệ, giữ idea/câu chữ đó cho dịp nào đó khác và lạc quan lên chỉnh bài đi.

  12. Biết Nhiều Rất Tốt. Ngành quảng cáo cần những người có vốn sống mạnh mẽ. Nếu bạn là người có câu chuyện thú vị gì đó, khả năng cao bạn có tấm vé vào ngành. Nhưng đừng quên, biết nhiều, cũng là sự trau dồi hằng ngày.

  13. Khả Năng Của Bạn, Vô Hạn Hơn Tưởng Tượng. Năm 2019, thống kê lại, mình viết gần 1000 post facebook, khoảng 200 bài website, hơn 20 kịch bản,… Đấy là job trên công ty. Chưa kể các bài viết riêng. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ sản xuất số lượng nhiều như vậy đâu. Khả năng của tụi mình, chỉ có làm mới biết được.

  14. Luyện Viết, Chưa Bao Giờ Đủ. Đừng ôm ấp khát vọng “thăng cấp” nhanh chóng hay có lối tắt cuộc đời. Méo có đâu nha. Chơi game lên level cày thâu đêm, thì thăng cấp viết lách cũng vậy thôi. Xong bài này, mị lên bài cách luyện viết của mị cho các bồ nhé!

  15. Viết Đơn Giản Thôi. Simple writing là điều mình luôn theo đuổi. Không phức tạp ngôn từ hay ngữ pháp, viết điều muốn viết, dễ hiểu. Bạn có thể xem thêm về mục này tại đây để biết thêm chi tiết nhé.

  16. Ý Tưởng Này Là Của Chúng Mình. Quảng cáo, dù agency hay client. Cũng là một team, một đội ngũ tạo thành (trừ phi công ty có một mình bạn kiêm nhiệm tất). Nên xấu hay tốt cũng là của chúng mình. Đổ lỗi hay vơ cái hay về mình cũng là hành vi không phù hợp với tập thể và nhất là sự phát triển của riêng bạn.

17. Đừng Từ Bỏ, Ngay Cả Khi Bạn Muốn Bỏ Cuộc Nhất: Làm đúng ngành đã cực, thì làm trái ngành còn có nhiều vấn đề hơn. Sẽ có những ngày bạn muốn bỏ cuộc, rất khó chịu, buồn và thất vọng cùng hàng loạt cảm xúc không tên khác. Có lẽ nhiều người không tin: mình từng trên dưới 3 lần muốn quay lại làm thiết kế – ngành mình học. Ít nhất nó an toàn. Hay gì đó. Có lẽ chẳng ai cười mình không biết gì. Nhưng cuối cùng, mình tự bảo bản thân chưa đủ cố gắng. Chỉ cố thêm cố thêm chút nữa thôi. Đi thêm một chút. Kiên trì thêm một tẹo. Mỗi lúc bạn muốn từ bỏ nhất, hãy nhớ lý do sao mình bắt đầu nhé! Có thể là chút yêu thích việc viết, có thể là cảm giác hạnh phúc khi nhận được lời khen cho bài viết nào đó, hay cảm giác rung động với những ngôn từ hay ho…

18. Đừng Ngại Hỏi: Hỏi không làm bạn trông có vẻ “ngok ngheck” trong mắt người khác. Không biết gì đó, thì cứ mạnh dạn lập danh sách ra mà hỏi. Ai mà giấu cái sự-không-biết mới là kẻ ngok ngheck. Vì bạn chẳng bao giờ biết hết tất cả mọi thứ trên đời được. Nếu xung quanh bạn đã có đôi-vai-người-khổng-lồ, ngại gì mà không bám vào để đứng lên.

19. Tuy Nhiên, Hạn Chế Hỏi Điều Đơn Giản Dễ Tìm: Thay vì cái gì cũng hỏi, thì nên chọn lọc thứ bạn thật sự không thể tìm được câu trả lời. Cách tốt nhất để người khác tôn trọng thời gian của mình là mình cũng phải tôn trọng thời gian của họ. Có những điều, người khác đã dùng bao nhiêu công sức để đúc rút ra được, họ không có nghĩa vụ phải chia sẻ với bạn. Thông thường, mình luôn chỉ hỏi điều thật sự khó tìm câu trả lời thôi. Tự vận động bao giờ cũng khiến kiến thức in sâu và chắc chắn hơn.

20. Bạn sẽ tiến bộ, cứ yên tâm đi: Có lúc nào bạn thấy hổng-có-zui vì bản thân hơi chậm tiến so với người khác? Yên tâm đi, rồi bạn sẽ tiến lên miễn bạn đang làm công việc cần làm. Có những thứ tiến bộ không thể thấy rõ bằng mắt thường được đâu mà cần thời gian. Cứ làm điều cần làm thôi, 6 tháng nữa nhìn lại thấy ồ thì ra mình tiến xa như vậy… lúc đó zui hông đỡ nổi luôn.

21. Chuyện Tự Học: Học có nhiều đường: sách vở, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng mình chắc thuộc tuýp tự học. Mình để ý rằng bản thân khi tự học sẽ tiếp thu tốt hơn khi lên lớp. Tự học giúp bạn đào sâu vào nhiều khía cạnh xoay quanh một vấn đề. Về tự học, bạn có thể tham khảo cuốn sách Tôi Tự Học (Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

22. Chia Sẻ Giúp Bạn Tiến Bộ Hơn: Chia sẻ giúp mình tìm ra đâu là điểm bản thân thiếu hụt kiến thức. Việc training lại cho người khác cũng tương tự như vậy. Đôi lúc mọi người hỏi câu bản thân không biết thì mình lại “khăn gói” đi tìm cho ra. Vậy là chỗ trống được lấp đầy. Là kiến thức của mình thêm một tý.

23. Mỗi Ngày Một Ít: Không biết có ai để ý hay không mà lúc nào mình cũng nhắc đến mỗi ngày, mỗi ngày trong các bài viết ý. Tuy nhiên, thật sự tất cả những điều mình làm, môn mình học, đều là Mỗi Ngày. Sức mạnh của thói quen giúp mình đỡ tiêu tốn năng lượng hơn cho ý chí hay những việc khác. Thay vì quyết định bản thân phải làm gì hôm nay, thì mình thường tách nhỏ thời gian ra để làm mỗi ngày.

24. Muốn Làm Gì, Nên Làm Đi: Phương hướng của bạn không sai (ít nhất ở hiện tại). Trong tiềm thức, ngay lúc phân vân giữa hai con đường, ta vốn có câu trả lời từ lâu. Chỉ là ta cần một sự ủng hộ, hoặc ngăn cản (nếu lựa chọn đó mang đến cảm giác sợ hãi). Điều này càng nhìn thấy rõ ràng hơn với những việc khác người, trái ngược với quyết định của đám đông. Tốt nhất, muốn làm gì, hãy làm đi vì càng làm bạn mới càng phát hiện ra đường này có đúng hay không. Vạch hướng đi, thực hiện, có lỗi thì sửa. Nghĩ đơn giản vậy thôi.

25. Nếu Có Vấn Đề Xảy Ra, Đề Xuất Giải Pháp Trước: Đừng tập trung vào vấn đề và tìm người chịu trách nhiệm (Tất nhiên, nếu trách nhiệm đó của bạn thì nhận khẳng khái và đưa giải pháp). Mình cảm giác đổ lỗi cho nhau không hiệu quả mà thường đề xuất giải pháp. Ít nhất là 2-3 giải pháp. Đưa ra ánh sáng cộng đồng rồi cùng nhau chọn. Vấn đề đã xảy ra, việc tìm người hay là chọn ai đó gánh trách nhiệm có thể khiến câu chuyện đi đến ngõ cụt. Một tập thể, ai cũng có trách nhiệm cả. Vậy nên, trước tiên, đề xuất giải pháp trước, xử lý nội bộ sau.

26. Trách nhiệm của bạn, chỉ cần làm nó tốt nhất có thể: Đừng buông lời hứa hẹn nhiều, kiểu nhất định sẽ làm hài lòng mọi người, hay yên tâm sẽ đạt KPI cỡ này. Ôi lời nói thì gió bay. Biết đâu mà lần. Cứ làm tốt nhất có thể trách nhiệm của bạn là được. Kết quả tự nó lên tiếng. Tiếng thơm sẽ tự bay đi.

27. Ý tưởng thực hiện được mới là ý tưởng tốt: Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao ý tưởng của bạn trông có vẻ hay ho là thế, nhưng sếp hay khách không chấp nhận. Đa phần ý tưởng bị từ chối không thể áp dụng được: ví dụ vượt ngân sách hay quá mơ hồ, không thực tế. Ý tưởng nếu không thực hiện được thì không thể gọi là ý tưởng tốt. Mọi chuyện điều có lý do nha, không ai chọn kiểu cảm tính đâu.

Ý tưởng trong quảng cáo = Insight + Sáng Tạo + Tiền + Khả năng thực thi.

28. Nếu Nhận Được Feedback, Đừng Quên Hỏi Tại Sao: Mình để ý, có rất nhiều bạn lẳng lặng nhận feedback rồi chỉnh sửa mà ít hỏi tại sao. Trước khi chỉnh gì đó, nên hỏi tại sao để khỏi mắc công sau này có vấn đề phát sinh bạn nhé! Hoặc bạn nghĩ đơn giản là để ghi chú lại sở thích/sở ghét của khách mà làm theo hay tránh là được.

29. Đọc sách nhiều hơn, nhưng đọc chọn lọc: Chọn sách như chọn bạn dị đó. Không phải chơi với ai cũng hợp. Và không phải đọc cuốn nào cũng sẽ có cảm nhận giống người ta. Vậy nên review sách chính là mỗi người mỗi ý. Có thể hay với người này, nhưng dở với kẻ khác. Cẩn trọng khi đọc là thói quen của mình.

30. Khả Năng Tự Quyết Định Cần Được Trau Dồi: Mình thấy trên linkledin, nhiều anh chị sếp/quản lý thường than phiền: nhiều việc nhân viên hay chờ cấp trên quyết định mới dám làm. Trong khi thực tế, cấp trên mong bạn sẽ tự ra quyết định rồi trình lên cho họ chốt. Đó mới là sự chủ động họ cần ở bạn. Nếu bạn là người sợ quyết định, có thể làm theo cách này: đề ra 3 phương án, trong đó 1 phương án an toàn, 1 phương án bạn thích và 1 phương án có thể sếp thích. Mỗi phương án đều trình bày mạch lạc và để cấp trên chọn. Đây cũng là một cách bạn trau dồi khả năng thăng cấp level cao hơn.

31, Lúc bạn nghĩ mình giỏi, có thể bạn chẳng biết tí gì. Lúc bạn nghĩ mình chẳng biết gì cả, có thể bạn tiến một bước lớn. Nếu bạn còn trẻ mình nghĩ bạn khá khó cảm được câu này. Nhưng bạn hãy ghi chú lại và đợi đến lúc nào đó, có thể vài năm sau khi lăn lộn một nghề nghiệp nào đó, mình tin bạn sẽ rất thấu cảm với câu này đấy. Nôm na dễ hiểu vầy: thử tưởng tượng nghề nghiệp của bạn như 1 ngọn núi, khi bạn hí ha hí hửng vì đã chạm đến đỉnh núi thì hóa ra ngọn núi bạn nghĩ mình chạm đến chỉ là một mỏm đá nhỏ và bạn cần trèo lên cao hơn nữa. Ngành nghề bạn làm rộng lớn bao nhiêu, có thể hiện tại bạn còn chưa hình dung được.

32, Trưởng thành trong công việc là lúc bạn nhận trách nhiệm về mình ngay khi làm sai gì đó. Cách tốt và nhanh nhất trong việc viết nội dung là ngay khi thấy lỗi sai phải sửa ngay. Bạn hãy nhớ rằng: từng chữ bạn viết ra ở thời điểm này là bộ mặt của thương hiệu, và nó hiện diện cho rất nhiều người thấy. Vì vậy, đừng bao giờ cho phép việc mình sai, sau đó lại còn giấu đi và chờ ai đó (có thể người đọc chỉnh lỗi cho bạn). Hãy chỉnh lỗi trước khi nó nghiêm trọng hơn và không thay đổi được nữa. Cố gắng trước khi viết đọc lại 1 lần, và thường lên xem lại những điều mình đã viết nhé!

ADVERTISEMENT

REPORT THIS AD

33, Lúc mới đi làm, ai mà chẳng sai lầm. Mình nghĩ, cái gì mới mà chẳng khó khăn. Nên nếu bạn mới bước trên hành trình kiếm tiền bằng sức lực của bản thân, thì sai lầm rất bình thường. Cảm giác khó chịu hoặc tức giận với bản thân là không tránh khỏi, nhưng nếu bạn chìm vào nó, có thể bạn sẽ thua.

34, Càng sai càng tiến bộ, miễn đừng giẫm 1 bãi … đến 2 lần. Mình đánh giá cao những người dám lãnh trách nhiệm và thực hiện. Đồng thời, cũng đánh giá cao bạn nào dám làm những điều họ chưa từng làm, chấp nhận sai xót ở lần đầu tiên để tiến bộ hơn cho lần sau. Nhưng tất nhiên, đừng rơi vào cùng 1 cái hố đến 2 lần.

35, Năng lượng làm việc quan trọng hơn thời gian bỏ ra. Đây là 1 cách làm việc của mình: mình chỉ chọn khung giờ hiệu quả của bản thân để làm. Hồi ở công ty cũ, mình còn chọn đi làm từ 8h đến 5h thay vì 9h đến 6h như mọi người. Nguyên nhân một phần là mình là kiểu morning bird, tức là người thuộc về buổi sáng, và năng lượng cực cao vào sáng. Vì thế, mình sẽ dành tất cả những công việc cần năng lượng nhiều vào buổi sáng, còn buổi chiều và tối sẽ ít hơn.

36, Hiệu quả của content được đánh giá tùy vào mục tiêu. Nội dung có nhiều loại mục tiêu khác nhau. Nếu bạn viết bài, vì mục đích cung cấp giá trị kiến thức cho người đọc, mà giá trị này không phải ai cũng hiểu được, thì tương tác hay view thấp trong thời gian đầu là đương nhiên. Nhưng nếu bạn viết content tương tác, mà chẳng ai thèm tương tác, kể cả khi đi chia sẻ khắp nơi, thì có nghĩa bạn cần …viết lại đó.

37, Xé đi viết lại thì có sao. Mình may mắn vì luôn gặp được những người thầy nghiêm khắc. Hồi học vẽ ôn thi, mình rất hay bị xé bài, sau đó vẽ lại từ đầu. Đối với thầy giáo mình, nghệ thuật – sáng tạo không có chỗ cho sự hời hợt. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào thái độ làm việc của mình sau này: nghiêm túc và khá cầu toàn. Mình không ngại vứt tất cả những gì đã làm qua một bên và bắt đầu lại. Không có gì phải ngại cả, bạn cũng vậy, đừng sợ bỏ đi viết lại. Nếu điều mình làm ra chưa thực sự tốt, mà vẫn có thời gian chỉnh, đừng ngại đập nhỏ nó ra, và nắn lại từ đầu. Biết đâu kết quả còn tốt hơn. Mình cứ hay tập viết thế này: Mình bẻ gãy hết các ý mình tính viết, xoay vòng đủ kiểu, sau đó ráp lại; hoặc thậm chí mình bôi hết và lên ý tưởng mới.

38, Nhưng đừng vứt ý tưởng cũ đi nhé. Lưu tụi nó vào một cuốn sổ nhỏ hoặc vật lưu trữ gì đó và chờ đến 1 ngày, tụi nó sẽ làm nhiệm vụ của mình. Bạn không nên tin vào trí nhớ, nếu không muốn mắc sai lầm như mình nhé!

39, Sáng tạo học được, hài hước cũng vậy. Mình không phủ nhận nếu bạn sinh ra là một người có khiếu hài hước và khả năng sáng tạo bẩm sinh, việc làm content creator của bạn sẽ đơn giản hơn khá nhiều lần. Hiện nay, xu hướng content mặn mà không hề xa lạ và nó hấp dẫn rất nhiều với những người đọc có độ tuổi trẻ trung. Mình từng gặp khá nhiều khó khăn trong việc viết tone&mood như vậy. Nguyên nhân là vì mình thuộc tuýp người nghiêm khắc, khó gần. Chúng bạn thường bảo mình nhạt nhẽo, không biết tắm muối có mặn lên được chút nào không. Tuy nhiên, mình nhận thấy việc sáng tạo và hài hước có thể dần dần học được, bằng cách theo dõi hoặc tham khảo từ từ các xu hướng hay lối đi content của các trang xịn xò.Mình sẽ chỉ cho bạn một số cái tên: Đầm lầy, Thỏ bảy màu, Tuyết Bitch Collection,… cùng việc tham gia khá nhiều group như Không Sợ Chó, Hóng Hớt Showbiz,… Nếu chọn làm người sáng tạo nội dung, đừng ngại tham gia nhiều group trên mạng xã hội hoặc hóng hớt những tin tức mới nhất hot nhất, vì đơn thuần bạn kiếm tiền hay tiến bộ nhờ nó.

40, Chủ động làm những chuyện mình không thích, để có thể tập trung điều mình thích: 1 chiếc nghề lý tưởng không bao giờ chỉ 100% điều bạn thích. Mấy “cha” lão làng Creative Director bạn ngưỡng mộ hay theo dõi, đừng tưởng họ chỉ ngồi hút điếu thuốc, làm ly rượu ở mấy quán bar sang chảnh, ngày ngủ đêm bay rồi ra big idea ào ào. Công việc của một giám đốc sáng tạo bao gồm cả những việc liên quan đến kiểm soát cân nhắc tài chính cho campaign, ngày ngày than lên than xuống về việc báo cáo giấy tờ. Nói chung, chả có cái nghề nào không có mặt này mặt kia. Làm content cũng chẳng phải nghiệp vụ nào mình cũng thích. Nhưng nếu nó giúp ích được cho công việc của bạn thì cứ chủ động làm cho tốt. Vì chủ động làm bao giờ cũng thấy “sướng” hơn bị làm. (dù sao chả phải làm)

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc phản hồi nào liên quan đến nội dung trên, đừng ngại mà hãy nhắn tin hoặc comment cho mình biết. Mình sẽ giải đáp trong khả năng. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi đến tận bây giờ.

Jeen in your mind